Tăng điện cho miền Bắc

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần; có tổng chiều dài gần 520km với 1.179 vị trí móng cột; tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh, gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Cụm dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc. Khi đi vào hoạt động, Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch-Phố Nối sẽ giúp nâng cao khả năng truyền tải lên khoảng 5.000MW (hiện nay khả năng truyền tải mạch 1 từ miền Trung ra miền Bắc chỉ đạt khoảng 2.200MW). Nhất là truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia; giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu...

leftcenterrightdel

Trên công trường thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: HOA DŨNG

Thông tin về tiến độ dự án, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An cho biết, đây là công trình năng lượng quan trọng, cấp bách, đi qua nhiều địa phương và phải thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng một năm. Thời gian qua, Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có dự án đi qua. Nhờ đó, đến nay, tất cả dự án thành phần đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật. Dự án thành phần được khởi công xây dựng sớm nhất vào ngày 25-10-2023 là dự án Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa; 3 dự án thành phần còn lại là Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối; Quỳnh Lưu-Thanh Hóa và Quảng Trạch-Quỳnh Lưu đồng loạt khởi công tháng 1-2024. “Chủ đầu tư sẽ bám sát các chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để triển khai các hạng mục công việc song song, nhịp nhàng bảo đảm đúng quy định, phấn đấu đạt tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đặng Hoàng An thông tin.

Huy động tối đa các nguồn lực, làm việc không có ngày nghỉ

 Khối lượng công việc lớn, thời hạn yêu cầu hoàn thành dự án ngắn trong khi dự án đi qua nhiều địa phương đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chủ đầu tư dự án. Luôn xác định và nhận thức rõ đây là dự án trọng điểm, cấp bách, thời gian qua, EVN/EVNNPT đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực, làm việc không kể giờ giấc, không có ngày nghỉ... để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, với tầm quan trọng và tính cấp bách của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo EVN và EVNNPT “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; "vượt nắng, thắng mưa"; "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"; “thi công 3 ca, 4 kíp”; “làm việc xuyên lễ, xuyên Tết”, phấn đấu hoàn thành dự án trong tháng 6-2024. Thực hiện nhiệm vụ, EVNNPT và các nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương làm việc với mục tiêu cao nhất là đóng điện các dự án đúng kế hoạch.

Đôn đốc tiến độ dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để đạt được yêu cầu tiến độ của Thủ tướng giao còn rất nhiều việc phải làm. Do vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương và trách nhiệm của không chỉ chủ đầu tư, cơ quan quản lý đầu tư mà cả các bộ, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan. Để Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giao trách nhiệm cho các tỉnh quyết định chủ trương tác động vào rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các vị trí móng cột, đường làm các công trình tạm phục vụ thi công vì qua báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bên liên quan thì thấy đây là một trong những vấn đề vướng nhất. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, gắn trách nhiệm với các bộ, ngành, địa phương liên quan vào dự án, vì đây là dự án trọng điểm quốc gia chứ không phải riêng của EVN/EVNNPT. “Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, những dự án quốc gia đi qua các địa phương mà thiếu vai trò của cấp ủy lãnh đạo cơ quan địa phương thì khó thực hiện được”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.

Dự án trọng điểm quốc gia này, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, chủ đầu tư cũng cần sự vào cuộc của các địa phương trong việc tập trung chỉ đạo, phối hợp giúp đỡ chủ đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng; giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quá trình triển khai dự án trên địa bàn, nhất là các khu vực làm đường tạm, công trình tạm để phục vụ thi công. Đồng thời làm tốt công tác bảo đảm an ninh-trật tự; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương ủng hộ giúp đỡ trong quá trình triển khai dự án và bảo vệ dự án được giao.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.