Vậy xuất khẩu chính ngạch tổ yến đòi hỏi những điều kiện gì? Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) đã có những chia sẻ với phóng viên các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV):  Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu lô tổ yến và sản phẩm chế biến từ tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Tống Xuân Chinh: Việc ký Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc là thành tựu rất quan trọng, là nỗ lực, cố gắng của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT cũng như các cơ quan chức năng khác ngoài Bộ để Việt Nam có thể xuất khẩu tổ yến và sản phẩm từ tổ yến sang Trung Quốc. Đối với chúng ta, ngành chăn nuôi có vai trò rất quan trọng. Riêng ngành yến, nếu thu gom, phát triển nghề dẫn dụ yến mỗi năm, chúng ta có thể thu được khoảng 100-150 tấn tổ yến. Tổ yến mang lại giá trị kinh tế rất cao. Để phát triển nghề nuôi, dẫn dụ yến bền vững thì phải bảo đảm hai điều kiện: Thứ nhất là chúng ta phải duy trì môi trường sinh thái, đặc biệt là môi trường tự nhiên cũng như môi trường nông nghiệp. Đây là điều kiện thiết yếu để duy trì các hệ côn trùng vốn là nguồn thức ăn rất quan trọng ngoài tự nhiên cho chim yến. Thứ hai, chúng ta phải kiểm soát tốt, tăng cường công tác truyền thông để người dân không săn bắt chim yến sử dụng vào mục đích khác. Đồng thời, các địa phương theo quy định của Luật Chăn nuôi cần phải thực hiện quy hoạch vùng nuôi, dẫn dụ yến, để nghề nuôi, dẫn dụ yến phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
Ông Tống Xuân Chinh.Ảnh: DIỆP ANH 

PV: Về phía các doanh nghiệp, cần tiếp tục làm gì để đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư đã ký giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Việc xuất khẩu tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến về mặt nguyên tắc thì chúng ta phải tuân thủ quy định của nước nhập khẩu, cụ thể là Trung Quốc, về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tập quán của người Trung Quốc trong việc sử dụng sản phẩm tổ yến. Vì thế, doanh nghiệp phải tiếp cận các quy định về quản lý nhà nước trong việc nhập khẩu tổ yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến của phía Trung Quốc để đáp ứng đầy đủ quy định. Đây chính là điều kiện phải đáp ứng khi muốn xuất khẩu chính ngạch tổ yến vào Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp khi xuất khẩu yến cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để chia sẻ thông tin, giúp đỡ lẫn nhau, phát triển thị trường; đồng thời qua đó giảm được chi phí logistics, chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm yến được bảo đảm. Đối với các doanh nghiệp ngành yến thì phải có lộ trình, đầu tư bài bản. Chỉ có chế biến sâu, chúng ta mới có thể thu được giá trị gia tăng từ tổ yến, còn nếu chỉ bán sản phẩm tổ yến thô (chỉ sơ chế) thì giá trị gia tăng rất nhỏ.

PV: Yến là loài chim mà chúng ta chỉ có thể dẫn dụ về làm tổ tại các nhà yến, việc cấp mã số hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Mã số của các cơ sở nuôi chim yến, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Chăn nuôi. Chúng tôi đang triển khai để trình Bộ NN-PTNT ban hành quy định về việc cấp mã số. Đây cũng là cơ sở để các chi cục chăn nuôi-thú y các địa phương cấp mã số nhà yến đủ điều kiện theo quy định. Khi mã số nhà yến được cấp sẽ là công cụ quan trọng phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Đây chính là yêu cầu theo nghị định thư mà chúng ta đã ký kết với phía Trung Quốc.

leftcenterrightdel
Lô sản phẩm tổ yến (công ty Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang) được xuất khẩu bằng đường hàng không. Ảnh HỒNG TÂM 

PV: Để được cấp mã số nhà yến phải đáp ứng những tiêu chí, yêu cầu gì thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Có nhiều điều kiện khác nhau và những điều kiện cơ bản: Thứ nhất là phải nằm trong vùng được phép nuôi yến của các địa phương nếu như địa phương đã quy hoạch. Thứ hai, phải bảo đảm quy định nhà nuôi yến, dẫn dụ yến đáp ứng các yêu cầu về nuôi yến theo quy định của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-01-2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Đồng thời, khi nuôi, dẫn dụ yến, phải bảo đảm quy định kê khai sản phẩm đầu tiên với UBND cấp xã.

PV: Chúng ta phải mất 5 năm đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu tổ yến chính ngạch, vậy đã có những khó khăn nào trong quá trình đàm phán, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Vấn đề xuất khẩu tổ yến, Bộ NN-PTNT giao cho Cục Thú y phụ trách chính về kiểm dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, thú y. Cục Chăn nuôi làm nhiệm vụ bảo đảm sản lượng, chất lượng tổ yến phục vụ quá trình xuất khẩu. Tôi cho rằng, trong 5 năm qua, các cơ quan của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Cục Thú y đã có cố gắng rất lớn trong quá trình đàm phán để chúng ta ký được Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo tôi, đây là vấn đề quan trọng, khó khăn nhất khi chúng ta chuẩn bị, đàm phán ký nghị định thư. Quy trình, thủ tục về xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là quy định về kiểm dịch, thú y phải tương thích giữa hai nước thì hai bên mới thống nhất được về mặt thương mại. Vượt được vấn đề này thì vấn đề thương mại được giải quyết ổn thỏa, dễ dàng hơn.  

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM - TẤT THẾ (ghi)

 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.