QĐND - LTS: Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm nay được Liên hợp quốc lựa chọn là “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” nhằm nhấn mạnh bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương ven biển. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu bài viết của chuyên gia nghiên cứu về nước biển dâng-TS Phạm Văn Song, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Nước và Biến đổi Khí hậu (Viện Thủy lợi và Môi trường-Trường Đại học Thủy lợi) về việc đối phó với nước biển dâng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nước biển dâng-những kịch bản đáng lo ngại

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mê Công, với tổng diện tích khoảng 3,9 triệu ha, phía Đông và phía Tây bao bọc bởi biển với hơn 600km đường bờ. Địa hình khá bằng phẳng và thấp nên bị ảnh hưởng của thủy triều và lũ lụt hằng năm tới hơn một nửa diện tích, mức ngập lũ từ 1 đến 4m, thời gian ngập từ 1 đến 6 tháng.

Theo kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, đến năm 2100, nhiệt độ có thể tăng tới 3 độ C, mưa có thể tăng 5-10% và nước biển dâng theo kịch bản thấp là 65cm và kịch bản cao là 100cm. Thay đổi diện tích ngập ở ĐBSCL có thể tăng từ 12,8% đến 37,8%. ĐBSCL có hơn 17 triệu dân, đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, cây trái và thủy sản, góp phần quan trọng vào chương trình an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, vùng này đang đứng trước những nguy cơ thách thức lớn do biến đổi khí hậu-nước biển dâng.

Một đoạn đường bị sóng biển phá hủy tại khu vực Mũi Cà Mau. Ảnh: Văn Minh.

Từ sau năm 2005, ĐBSCL từng bị triều cường được coi là lớn nhất trong 47-50 năm qua, gây ngập lụt ở các đô thị như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre và Sóc Trăng, gây thiệt hại về hoa màu, cây trái... Mật độ các cơn bão ảnh hưởng vào khu vực ĐBSCL cũng gia tăng cả về số lượng và cường độ, đặc biệt bão LINDA 1997, Durian 2006, bão 2008. Diễn biến lũ thất thường, xa dần với những quy luật thịnh hành trước đây, xâm nhập mặn vào rất sâu nội đồng. Nắng nóng bất thường xuất hiện sớm với tần suất trở lại khoảng 20 năm; lạnh bất thường như cuối năm 1999, đầu năm 2000, nhiệt độ xuống đến 16-17 độ C; mưa bất thường xuất hiện sớm với cường độ hơn 50mm/ngày làm thiệt hại đáng kể về hoa màu do xì phèn. Lũ nhỏ thường xuyên kéo dài từ năm 2003 đến nay.

Theo các kịch bản thì 84-96% diện tích đồng bằng có thể bị ngập với mức ngập hơn 50cm. 36% diện tích có thể ngập sâu hơn 1m và kéo dài hơn một tháng. Nhiễm mặn gia tăng chủ yếu trên dòng chính theo các hướng từ Biển Đông, diện tích xâm nhập mặn gia tăng 132,5 nghìn ha đến 331 nghìn ha, làm ảnh hưởng đến các hệ thống thủy lợi Gò Công, Ba Lai và Nam Măng Thít...

Tác động xấu đến đời sống

Nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp do ngập lụt đến sớm hơn và lũ rút chậm hơn từ nửa tháng đến một tháng, ảnh hưởng đến các loại hình sử dụng đất như hiện tại ở vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Có thể sẽ không còn lúa vụ 3 ở vùng này nếu như không có giải pháp bảo vệ. Nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian xuống giống của lúa Đông Xuân và kéo theo là Hè Thu, tăng chi phí sản xuất do phải bơm tát và tiêu nước. Diện tích lúa canh tác cả năm có thể giảm 0,5-1 triệu ha, sản lượng lương thực có thể giảm 20-30% so với hiện tại, mất 3,6-5,7 triệu tấn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia.

Nước biển dâng làm mực nước cao nhất và mực nước chân triều đều cao, gây ngập lụt ở các đô thị. Với lũ lớn như năm 2000 và kịch bản nước biển dâng 1m thì hầu hết các đô thị ở ĐBSCL đều có thể bị ngập, Cao Lãnh và Long Xuyên có thể ngập tới 4-5 tháng.

Các công trình giao thông cấp tỉnh, huyện, xã; các công trình công cộng, các khu dân cư vượt lũ, cấp nước… đều chưa tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu đều có thể bị ảnh hưởng. Các tuyến đường giao thông bị xuống cấp nhanh hơn, dễ bị sạt lở khi gặp lũ lớn sau một thời gian dài thiếu lũ...

Những giải pháp thủy lợi

Về phân vùng thủy lợi, từng bước liên kết các dự án thủy lợi riêng rẽ như hiện nay thành những dự án lớn hơn, đáp ứng được khả năng thích nghi với biến đổi dần của khí hậu, đặc biệt các dự án thủy lợi ven biển với các dự án thủy lợi phía nội đồng, ví dụ Gò Công-Bảo Định, dự án Ba Lai với các dự án vùng Mỏ Cày. Dự án Nam Măng Thít với các dự án phía trên sông Măng Thít, các dự án vùng Tây sông Hậu: Dự án Tiếp Nhật-Quản lộ Phụng Hiệp, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp tiếp nước (chuyển nước ngọt) cho những vùng khó khăn như vùng Nam Quốc lộ 1A Bạc Liêu, Bắc Cà Mau… Có giải pháp trữ nước trên đồng bằng (hồ sinh thái) vào mùa lũ để cấp cho mùa khô. Xây dựng và phát triển hệ thống vành đai ngăn mặn, gió bão bằng rừng ngập mặn…

Để hoàn thành được nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức trên đây, Nhà nước cần đầu tư cho một số nghiên cứu trước mắt như: Nghiên cứu khả năng chịu đựng của các hệ thống công trình thủy lợi hiện hữu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đánh giá tổn thương và khả năng phục hồi, định hướng khâu nối các dự án và giải pháp tiếp nước cho các vùng xa nguồn nước; nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến các vùng ngập nông, rìa vùng ngập lũ; nghiên cứu xu hướng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp (giống ngắn ngày, giống chịu mặn, hạn…), đời sống và phân bố dân cư; xây dựng các chương trình trọng điểm phục vụ phát triển bền vững; xây dựng các mô hình điểm, triển khai thí điểm và ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.

TS PHẠM VĂN SONG