Trong thư, Người nói rõ vai trò, tầm quan trọng của giới công thương trong việc xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững mạnh và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp (DN) với sự phát triển của đất nước. Trong suốt 75 năm qua, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển, thể hiện rõ vai trò tiên phong trong sự nghiệp ích quốc, lợi dân.

Doanh nhân dân tộc trong thuở lập nước 

Mùa Thu năm 1945, ngay sau khi giành được chính quyền, tình hình tài chính của Chính phủ lâm thời rất khó khăn. Kinh tế kiệt quệ, kho bạc chỉ còn hơn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó một nửa là tiền rách, nát; cùng với đó là nhiều khoản nợ khác. Trong thế "nghìn cân treo sợi tóc", mọi công việc từ tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), giải quyết nạn đói... đều cần có tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập, thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp ủng hộ Chính phủ. Trong khuôn khổ của quỹ, Tuần lễ vàng được phát động từ ngày 17 tới 24-9-1945 trên khắp mọi miền đất nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi trên, tất thảy tầng lớp nhân dân yêu nước đều ủng hộ nhiệt thành. Tổng kết Tuần lễ vàng và Quỹ Độc lập, cả nước thu được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Từng đồng bạc Đông Dương hay mỗi lạng vàng được đóng góp khi đó chính là biểu hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm của nhân dân đối với vận mệnh dân tộc. Đáng chú ý, tại Tuần lễ vàng, nhiều nhà công thương đã ủng hộ Chính phủ hàng nghìn lạng vàng và hàng triệu đồng. Tiêu biểu như gia đình ông Trịnh Văn Bô-bà Hoàng Thị Minh Hồ nổi tiếng giàu có nhờ buôn bán tơ lụa, sở hữu nhà máy dệt, kinh doanh bất động sản; ông bà Đỗ Đình Thiện-doanh nhân có tài buôn bán lụa, sở hữu nhà máy dệt và đồn điền cà phê; ông chủ hãng sơn Nguyễn Sơn Hà; ông Nguyễn Hữu Nhâm-chủ hiệu vải nổi tiếng Hà thành; bà Vương Thị Lai nổi tiếng giàu có nhờ buôn bán tơ lụa... Ngoài ra, vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô và nhiều nhà tư sản còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân đóng góp cho Chính phủ. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ Quỹ Độc lập là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế khó khăn, tạo thế và lực để giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo.

Trong thời gian sau Cách mạng Tháng Tám, sự nghiệp cách mạng của dân tộc tiếp tục đón nhận sự ủng hộ lớn của những thương nhân yêu nước. Ngày 13-10-1945, khi được tin giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công-Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ họ. Trong thư, Bác bày tỏ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công-Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công-Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công-Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Bức thư gửi giới doanh nhân Việt Nam chưa đầy 200 chữ nhưng đã gửi gắm trọn vẹn niềm tin, sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, DN Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong thư, Người cũng thể hiện rất rõ quan điểm Nhà nước đóng vai trò giúp đỡ và kiến tạo môi trường thuận lợi để DN, doanh nhân phát triển. 

Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên tại Việt Nam do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành. Ảnh: MINH ĐỨC.

Xuất hiện những tỷ phú của thế giới

Trong suốt 75 năm qua, đặc biệt sau gần 35 năm đổi mới, doanh nhân, DN Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của mình đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và góp phần tích cực bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

Trong khi các nhà đầu tư ngoại không mặn mà với dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn (Quảng Ninh) thì Tập đoàn Sun Group đã quyết định đầu tư. Để rồi, vào cuối năm 2018, Cảng HKQT Vân Đồn được khánh thành, đánh dấu cột mốc mới trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Lần đầu tiên DN tư nhân (DNTN) đầu tư, vận hành cảng hàng không, lĩnh vực rất đặc thù về chuyên môn, kỹ thuật, đòi hỏi nguồn vốn lớn và cả những vấn đề về an ninh, nên trước đây đều do DN nhà nước đảm nhiệm. Không chỉ có Cảng HKQT Vân Đồn, nhiều công trình giao thông khác cũng mang dấu ấn của DNTN, như: Hầm đường bộ Đèo Cả; hầm Hải Vân 2; cầu Bạch Đằng... Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Tập đoàn Vingroup đã biến giấc mơ sản xuất được ô tô thương hiệu Việt Nam trở thành sự thật, cho ra đời các dòng ô tô sang trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với sự lớn mạnh của hai “ông lớn” trong ngành sản xuất ô tô là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) và Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam đã bứt phá sau nhiều năm phát triển chậm chạp. Trong lĩnh vực hàng không, sự tham gia của DNTN ngày càng được mở rộng, Hãng hàng không Bamboo Airways trở thành hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam, đồng thời cũng là hãng hàng không thuộc sự quản lý, điều hành của DNTN.

Từ chỗ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiềm lực của giới doanh nhân Việt Nam còn yếu, kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình thì tới nay, Việt Nam đã xuất hiện của những tỷ phú đô-la góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới, như: Ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup); bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet); ông Trần Bá Dương (THACO); ông Hồ Hùng Anh (Techcombank); ông Trần Đình Long (Hòa Phát)... Có thể thấy, đội ngũ doanh nhân mới của Việt Nam với tiềm lực tài chính ngày càng hùng mạnh, với tài năng, trí tuệ và bản lĩnh, đang vươn tầm quốc tế.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế tư nhân (KTTN) đang chiếm một lực lượng đông đảo với khoảng 700.000 DN và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đến nay, KTTN đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước; là khu vực đang có đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước và là khu vực chính tạo ra việc làm mới cho người lao động. 

Tạo bình đẳng, bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội

 Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển DN, khu vực KTTN, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật. Trong đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết 10) đã tạo động lực mạnh mẽ cho KTTN phát triển.

Tại nghị quyết này, Đảng ta đã xác định, phát triển KTTN lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và coi đây là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển. Cũng tại Nghị quyết 10, Đảng ta xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nghị quyết 10 đã mở đường đưa ra những cơ chế, chính sách mới, phù hợp hơn và đột phá hơn nhằm phát triển KTTN trở thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác, qua đó tới toàn bộ nền kinh tế.

Tại Diễn đàn KTTN 2019 được tổ chức ngày 2-5-2019 ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Đối với KTTN, Chính phủ sẽ tiếp tục kích hoạt không gian phát triển với nội dung là: “Tạo bình đẳng, bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội”. Về "tạo bình đẳng", trước hết là KTTN bình đẳng trước pháp luật, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác. Về từ khóa “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ KTTN được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các DN làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các DN làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật. Được “trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền để mở ra cơ hội cho DN tư nhân phát triển bình đẳng.

Những năm trở lại đây, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã được thực hiện theo hướng kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là KTTN. Điển hình như việc sửa đổi các luật: Đầu tư, DN, các luật chuyên ngành về đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động...; ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN, như: Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là các Nghị quyết 19) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020... cùng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển DN về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực...

Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế, DN và doanh nhân Việt Nam đứng trước rất nhiều thời cơ và thách thức. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường. Đội ngũ DN và doanh nhân cần phải đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm hiệp lực để đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

VŨ DUNG