Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các DN sớm xác định rõ chiến lược hoạt động, lựa chọn những phương án tối ưu để bứt phá.

Tín hiệu lạc quan từ đầu năm

 Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết: Ngay ngày đi làm đầu tiên của năm mới (mồng 7 tháng Giêng), tập đoàn đã xuất 12 container trái cây (thanh long, xoài, vú sữa, sầu riêng) và 5 container gạo ST25 sang Mỹ và Australia. Đây là khởi đầu một năm mới với nhiều kỳ vọng. Trước những tín hiệu lạc quan đầu năm mới, tập đoàn không đưa ra mục tiêu tăng doanh thu mà chú trọng vào lợi nhuận với mục tiêu tăng 20% so với năm 2021.

Mặc dù năm 2021 qua đi với bao khó khăn vì dịch bệnh, song không vì thế mà hoạt động SXKD của các DN trong những ngày đầu năm mới kém phần sôi động. Dạo một vòng các khu công nghiệp thời điểm này có thể dễ dàng bắt gặp xe đưa đón người lao động lăn bánh trên cung đường quen thuộc, đưa công nhân kịp vào ca sản xuất đầu năm. Có mặt tại cầu cảng Hậu Giang sáng 7-2, nhìn nhân viên hối hả bốc xếp hàng hóa, ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang) nói vui: “Nhìn không khí lao động của công nhân có thể thấy cơ hội phục hồi, tăng trưởng mạnh hoạt động SXKD trong năm 2022 đang hiển hiện”.

Công nhân chế biến sản phẩm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa. 

Cũng theo ông Phong, năm 2021 thành công từ việc đưa tàu trực tiếp từ nhà máy sản xuất vào cảng Hậu Giang, không phải trung chuyển qua các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh, giúp tiết giảm chi phí và thời gian cho chủ đầu tư, tăng sức cạnh tranh cũng như khẳng định thế mạnh của cảng Hậu Giang-cảng biển hiện đại, năng động của tỉnh và khu vực ĐBSCL. Tính riêng sản lượng container năm 2021 đạt 7.120 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Ngay từ đầu năm 2022, có hơn 100.000 tấn hàng hóa được bốc xếp tại cầu cảng. Hàng hóa về nhiều, công nhân phải trở lại làm việc sớm nhưng ai nấy đều vui vẻ, hào hứng.

Sau những ngày nghỉ Tết, hàng nghìn công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng ra quân sản xuất với khí thế sôi nổi, sẵn sàng cho một năm với nhiều thành công mới. Thời điểm này, tại nhà xưởng của Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa (Pham Nghia Food) đã sản xuất những lô sản phẩm đầu tiên. Không khí lao động tại nhà máy đã nhộn nhịp từ mồng 5 Tết. Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa cho biết: “Ngay đầu năm, công ty đã có lô hàng xuất đi Australia và Canada. Tiếp đến, đơn vị sẽ xuất thêm các đơn hàng từ 10 đến 20 tấn sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển. Để bảo đảm tiến độ giao hàng, tất cả công nhân đều tự nguyện bắt tay vào việc sớm”.

Nhiều giải pháp "tăng tốc"

Trải qua một năm đầy biến động, các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2022 tiếp tục là năm cơ hội và thách thức đan xen. Những rủi ro từ thị trường thế giới, đà phục hồi chậm, tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh... vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, để đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, các DN trong vùng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp “tăng tốc” trong sản xuất.

Chia sẻ về những định hướng trong năm mới, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: "Đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Công ty ký kết được các đơn hàng mới ngay trong những ngày đầu năm. Ngày 10-2, công ty đóng 3 lô hàng: 25 container xuất sang Malaysia, 5 container đi Ðức, 3 container sang thị trường Qatar. Ðến tháng 3, tháng 4, chúng tôi tiếp tục giao 15.000 tấn gạo trúng thầu trước đó cho thị trường Hàn Quốc. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu sản lượng gạo cung cấp ra thị trường là 250.000 tấn, trong đó, sản lượng xuất khẩu là 75.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 50 triệu USD. Với kết quả đạt được trong năm qua và những tháng đầu năm mới, mục tiêu này hoàn toàn có khả năng đạt được”.

Cùng với mục tiêu tăng trưởng, ông Nguyễn Tấn Thành, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Masan Hậu Giang mong muốn đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghiệp thực phẩm miền Tây 2 với quy mô 40ha tại Hậu Giang. “Công ty hiện có hai dự án là Nhà máy bia Masan và Trung tâm Công nghiệp thực phẩm miền Tây 1. Năm 2021, doanh số của hai dự án đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Chuẩn bị cho định hướng phát triển và mở rộng về lĩnh vực thực phẩm, đồ uống trong những năm tiếp theo, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng từ năm 2022 đến 2026, chúng tôi đã lắp đặt thêm 2 dây chuyền sữa và 1 dây chuyền nước mắm tại phân xưởng F2. Kỳ vọng sẽ khai thác tối đa điều kiện cơ sở hạ tầng và lợi thế của vị trí trung tâm vùng ĐBSCL”, ông Thành chia sẻ.

Ở nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, theo ông Nguyễn Văn Ký, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang: Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hơn 95% lao động trở lại làm việc. So với các năm trước, đầu năm nay, lượng công nhân trở lại làm việc cao hơn, điều này mang ý nghĩa rất lớn cho việc phục hồi, phát triển của công ty sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh. Trên tinh thần này, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng chung trong năm 2022 từ 20 đến 30% cho từng nhóm chỉ tiêu. Với đà phục hồi nhanh, nhu cầu tiêu thụ lớn, lực lượng lao động dồi dào như hiện nay... công ty hy vọng sớm đạt được chỉ tiêu trong năm mới.

Khí thế ra quân lao động sản xuất sôi nổi, hào hứng trong những ngày đầu năm mới ở các công ty, DN khu vực ĐBSCL cũng là không khí chung cho lĩnh vực công nghiệp sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là dấu hiệu sản xuất thuận lợi đầu năm, tạo động lực để các DN quyết tâm giành thắng lợi trong sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay từ tháng đầu năm mới.

Bài và ảnh: THÚY AN