Thất thu vì đại dịch
 |
Bà Chu Thị Vân Anh. |
Phóng viên (PV): Bà có thể khái quát những đóng góp của ngành nước giải khát?
Bà Chu Thị Vân Anh: Tính riêng lĩnh vực nước giải khát, ước tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất. Cũng có thể thấy, các chủng loại nước giải khát ở nước ta rất đa dạng, phong phú với hơn 7.000 loại. Ngoài nước ngọt, nước tinh khiết, nước giải khát có ga, còn có nhiều sản phẩm từ thiên nhiên, nước uống bổ dưỡng, nước uống cho thể thao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong giai đoạn 2015-2019, mức tăng trưởng bình quân của ngành nước giải khát ở mức 8,4%. Doanh thu năm 2019 của ngành đạt hơn 123.558 tỷ đồng (xấp xỉ 5,3 tỷ USD). Trong suốt quá trình phát triển, các doanh nghiệp (DN) nước giải khát không chỉ chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, đóng góp lớn cho ngân sách các tỉnh, thành phố mà còn cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động trong chuỗi cung ứng như nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ... Cùng với đó, các DN luôn tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm công dân, đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững...
PV: Đại dịch Covid-19 đã tác động ra sao tới ngành nước giải khát, thưa bà?
Bà Chu Thị Vân Anh: Hai năm vừa qua là thời gian vô cùng khó khăn đối với ngành đồ uống nói chung, lĩnh vực nước giải khát nói riêng. Do du lịch, các quán ăn, nhà hàng bị đóng cửa nên toàn ngành nước giải khát bị ảnh hưởng rất nặng nề. Mặc dù các DN đã áp dụng mọi biện pháp để cắt giảm chi phí nhưng do doanh thu giảm trong khi DN cố gắng giữ việc làm và thu nhập cho người lao động nên lợi nhuận giảm mạnh. Ví dụ, năm 2020, lợi nhuận của ngành nước giải khát giảm hơn 90% so với năm 2019 và năm 2021, lợi nhuận của ngành tiếp tục giảm thêm 31,4% so với năm 2020.
Số lượng lao động của ngành nước giải khát năm 2020 giảm 4%, trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước đã phải cắt giảm 7% số lượng lao động so với năm 2019. Năm 2020, mức giảm về thu nhập trung bình của lao động trong ngành nước giải khát là 7% so với năm 2019.
 |
Hoạt động sản xuất trà xanh không độ tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát, tỉnh Bình Dương. |
Lo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
PV: Bà đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi của các DN ngành nước giải khát trong thời gian tới?
Bà Chu Thị Vân Anh: Mặc dù năm 2022 có nhiều tín hiệu mang lại sự phục hồi cho ngành nước giải khát như việc mở cửa trở lại ngành du lịch và dịch vụ ăn uống nhưng sẽ phải mất nhiều năm để các DN trong ngành có thể khôi phục lại đà tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch. Bên cạnh yếu tố về thị trường như sức mua và giá thành sản phẩm, khả năng phục hồi của ngành còn phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như đường, nhôm, nhựa và xăng, dầu. Hiện nay, giá một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đang tăng cao ở mức kỷ lục. Điều này ảnh hưởng nhiều tới khả năng phục hồi của các DN nước giải khát, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ.
PV: Vậy giải pháp và kiến nghị của DN là gì để có thể phục hồi và phát triển?
Bà Chu Thị Vân Anh: Các DN trong ngành nước giải khát đánh giá cao những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để giúp DN phục hồi sau đại dịch. Các chính sách này đã có những tác động tích cực nhất định, phần nào cải thiện tình trạng khó khăn của DN và người lao động. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, những biến động của địa chính trị trên thế giới; dịch Covid-19 với biến chủng mới vẫn đang gây ảnh hưởng đến sức mua của các hàng hóa tiêu dùng, đó vẫn là những thách thức và khó khăn của DN nước giải khát trong giai đoạn tới.
Ngành đồ uống nói chung và DN ngành nước giải khát nói riêng rất cần được hỗ trợ và có thời gian để phục hồi, phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước. Vì vậy, ngành rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét hỗ trợ bằng cách sẽ duy trì ổn định các chính sách thuế ít nhất tới năm 2025.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
MINH ĐỨC (thực hiện)