Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, bất cập trong việc tiêu thụ sản phẩm GKN. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết ưu và nhược điểm giữa GKN và GĐSN là gì?
Ông Phạm Văn Bắc: GKN có ưu điểm là ít phát thải khí độc hại, sử dụng ít nhiên liệu, dùng chính phế thải của một số ngành công nghiệp làm nguyên liệu. Trên phương diện kỹ thuật, GKN ít thấm nước, có khả năng chịu lực rất cao nên bảo đảm được độ vững chắc và ổn định của công trình. Ngoài ra, bề mặt viên gạch phẳng, không bị cong vênh, nâng cao yếu tố thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng GKN để xây dựng, trọng lượng của những viên gạch này khá nặng khiến việc thi công của công nhân vất vả; hình dáng và mẫu mã của sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá GKN còn cao hơn từ 15 đến 25% so với GĐSN, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến không ít khách hàng chưa mặn mà dùng loại gạch này.
 |
Ông Phạm Văn Bắc. |
GĐSN đã tồn tại nhiều đời nay ở nước ta và đã gây ra nhiều hệ lụy, đó là: Tiêu tốn nhiều đất sét, nhiên liệu hóa thạch là tài nguyên không tái tạo; gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu; phát thải khối lượng lớn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, GĐSN vẫn được sử dụng rộng rãi do giá thành rẻ, dễ thi công và do thói quen sử dụng của người dân. Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước là phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững thì việc tăng cường sản xuất và sử dụng GKN và hạn chế GĐSN là rất cần thiết.
PV: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành những cơ chế, chính sách gì để khuyến khích việc sản xuất và sử dụng GKN?
Ông Phạm Văn Bắc: Ngày 28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 (Quyết định 567). Sau khi có Quyết định 567, Bộ Xây dựng và các cơ quan thuộc Chính phủ đã tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình phát triển GKN. Đơn cử, Bộ Xây dựng đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP, ngày 5-4-2016, về quản lý vật liệu xây dựng. Trong nghị định có nguyên một chương nói về việc đầu tư phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường là GKN. Ngày 16-4-2012, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng GĐSN (Chỉ thị số 10).
Về quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD và đến nay sửa đổi thành Thông tư 13/2017/TT-BXD. Các bộ, ngành khác như Bộ Công Thương cũng ban hành quy định về không sử dụng các nguồn vốn khuyến công phục vụ cho các đề án phát triển vật liệu đất sét nung; Bộ Tài chính cũng đã ban hành những thông tư và tham mưu với Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích việc đầu tư sản xuất vật liệu không nung, ví dụ như giảm thuế cho các đơn vị sản xuất GKN nhập các thiết bị nước ngoài. Tới thời điểm hiện tại, về hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này cơ bản đã đầy đủ.
PV: Tính tới thời điểm hiện tại, tính hiệu quả của Chương trình Phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 là như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Bắc: Tính tới thời điểm hiện tại, việc đầu tư sản xuất các dây chuyền và các công thức thiết kế sản xuất GKN đã đạt được mục tiêu đề ra, thế nhưng thực tế sản xuất thì chưa đạt được mục tiêu. Ví dụ mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế GĐSN đạt tỷ lệ từ 30 đến 40% vào năm 2020. Thế nhưng hiện nay là đầu tư được khoảng 35% nhưng sản xuất thực tế mới chỉ đạt được 26%, trong khi tiêu thụ sản phẩm thì mới đạt được khoảng 20%.
 |
Sản xuất gạch không nung bằng công nghệ ép rung tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá (tỉnh Thái Nguyên). |
PV: Hiện nay, việc tiêu thụ GKN đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Phạm Văn Bắc: Việc phát triển GKN còn gặp nhiều khó khăn do có nhiều cơ sở sản xuất GKN quy mô nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, sản phẩm tạo ra chưa đạt được tiêu chuẩn nên khi đưa vào thị trường tiêu thụ không được người dân đón nhận. Vì khi đưa các viên GKN không đạt tiêu chuẩn vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các công trình, như: Hiện tượng nứt, bong tróc... Nguyên nhân tiếp theo là GKN có giá thành cao hơn so với GĐSN, GKN thi công khó hơn, người dân vẫn có thói quen sử dụng GĐSN. Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ là phải xóa bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất GĐSN. Thực tế hiện nay trên toàn quốc một số tỉnh đã xóa bỏ hoàn toàn nhưng vẫn còn nhiều tỉnh cho phép đầu tư sản phẩm GĐSN gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển GKN. 10 năm qua, theo khảo sát của chúng tôi ở địa phương nào mà chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện nghiêm túc các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì nơi đó phát triển GKN rất tốt và hạn chế được GĐSN.
PV: Để thúc đẩy thị trường tiêu thụ GKN cần có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Bắc: Để tháo gỡ những khó khăn cho việc tiêu thụ GKN, chính quyền các địa phương cần quyết liệt xóa bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất GĐSN, thực hiện nghiêm túc các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, nhà nước nên hỗ trợ kịp thời về vốn vay đầu tư, vốn để sản xuất, kinh doanh, chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích chủ đầu tư các công trình, dự án cũng như người dân tiêu thụ GKN. Đồng thời tuyên truyền về chất lượng, sự ưu việt của GKN để nhân dân nhận biết, thay thế gạch thủ công khi xây dựng công trình dân dụng. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp sản xuất GKN cần đầu tư cho khoa học và công nghệ, nghiên cứu khắc phục những điểm yếu của GKN để tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng bảo đảm và giá thành hợp lý. Có như vậy, mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất GĐSN tại Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường mới thực hiện được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
LA DUY (thực hiện)