Nạn rải đinh là mối lo thường nhật của người tham gia giao thông, nhất là những người sử dụng phương tiện xe gắn máy, đặc biệt gây bất bình trong dư luận. Nhưng đến nay, hầu hết những ác thủ vẫn chưa bị phát hiện, xử lý. Đoạn đường trước khu du lịch Suối Tiên đến cầu vượt trạm 2 (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) dài chừng một cây số hiện đang là một trọng điểm.
Trời xẩm tối, xe của tôi đang chạy hướng Đồng Nai-Thành phố Hồ Chí Minh thăm người ốm tại bệnh viện, bỗng bánh sau có tiếng “Pựt…dật, dật, dật…”. Tôi vội phanh gấp, tấp vào lề đường, chống chân giữa lên và lần tìm theo bánh xe. Ôi thôi! Một miếng sắt to bằng cỡ đầu chiếc đũa, dài chừng 2,5cm, được cắt vát nhọn hoắt hai đầu, uốn vểnh lên, xoắn hình vỏ đỗ, sắc lẹm, cắm ngập vào bánh xe. Trong lúc đó, ở tiệm sửa xe Quang Trung sát nơi tôi bị nạn (cách Trung tâm Giáo dục quốc phòng Thành phố Hồ Chí Minh chừng 200m), ba người đàn ông ngồi trong tiệm sửa xe này cười nói hớn hở. Một người cao gầy hất hàm hỏi: “Vá xe không? Vào đây!”. Giữ bình tĩnh, tôi hỏi lại: “Một miếng vá bao nhiêu?”. Người đàn ông kia trả lời: “18 nghìn đồng?!”. Tôi hỏi tiếp: “Nếu thay ruột là bao nhiêu và thay luôn cả vỏ bao nhiêu?”. Vẫn người đàn ông kia như định đoạt giá trước, trả lời luôn: “Thay ruột loại thường: 65 nghìn đồng, ruột NÔVÔ loại tốt: 75 nghìn, cả vỏ lẫn ruột 250 nghìn!”. Tôi không hỏi thêm được điều gì nữa, đành đẩy xe đi. Người đàn ông thấp đậm hơn lúc này mới lên tiếng chửi đổng một câu mà tôi không nghe rõ, chỉ nghe tiếng: “Không đâu trong dãy này giá bèo hơn bọn anh đâu?!”.
Đẩy xe qua khỏi cầu vượt dành cho người đi bộ và vào quán chữa xe Thùy-Kiên, đứng ở ngoài tôi hỏi: “Anh có vá xe không? Một miếng bao nhiêu?”. “Giá 8 nghìn đồng, hữu nghị!”. Hai bên thỏa thuận giá cả. Tháo săm xe ra, chủ quán đếm cho tôi thấy cả nhỏ lẫn lớn 14 chỗ rách, tính ra, nếu vá sẽ hết 112.000 đồng!. Lúc này tôi hỏi thật “nếu thay toàn bộ cả vỏ lẫn ruột anh lấy bao nhiêu?” Chủ quán trả lời: 190.000 đồng. Tôi trả 175.000 đồng, Thùy đồng ý và gọi vợ cùng đứa em nhoay nhoáy tháo lốp xe, còn Thùy chạy vội đi mua săm lốp nơi khác để lắp cho tôi.
Trong lúc đang nóng lòng chờ sửa xe thì một người lái xe ôm ở tuyến đường này tên là Út Sóc, cho tôi biết: “Ngày hôm nay theo dõi, tôi thấy anh là người thứ hai mươi chín bị vướng đinh, và chỉ sau tôi chừng 15 phút. Một chị trạc 40 tuổi cũng đang dong xe trên đường. Út Sóc vừa nói vừa chỉ người phụ nữ đó và nói có lẽ chị ta là “nạn nhân” thứ ba mươi!?
Tôi đem chuyện trao đổi với vợ chồng chủ quán Thùy-Kiên, được anh cho biết: “Chúng em thì không thể làm những điều thất đức ấy đâu!? Có lẽ chính những kẻ “bơm, vá dạo” gây nên chuyện này”. Thế nhưng, khi trao đổi với Út Sóc, anh cho biết thêm: “Đoạn đường này làm sao tụi tôi không biết? Ai làm gì đều biết hết! Ở đây có anh Năm Lượm, chủ quán cà phê và là đội trưởng đội xe ôm của bọn tôi trên tuyến đường bên này. Anh ấy là người luôn đi nhặt, gom đinh do bọn vô lương tâm rải ra đường, những việc làm đó cả tuyến này ai mà không biết? Còn rải đinh, ai rải thì cũng dễ nhận ra thôi! Anh xem, chỉ đoạn đường hơn ki-lô-mét này mà có tới hơn 20 quán sửa chữa xe thì điều gì là không thể xảy ra. Cả ngày hôm nay, anh ấy cùng chúng tôi đã nhặt được cả nắm to thế này (anh Sóc bụm tay bức xúc cho tôi biết), mấy người cùng nhặt chung rồi đưa lên nộp cho cán bộ khu phố 6, phường Linh Trung (Thủ Đức), đã nhiều lần nhưng có ai động tĩnh gì đâu? Nói với công an khu vực thì họ cũng bảo chờ xem để bắt, còn nếu ai bắt được tận tay thì đưa đến đây mới có thưởng. Nhưng khổ nỗi, bắt nó tận tay thì hôm sau chúng tôi cũng phải rời bến xe ôm này luôn! Dường như chẳng mấy ai có trách nhiệm chú ý tới chuyện rải đinh rải điếc làm gì”.
Đó là những bức xúc không chỉ của anh Sóc, anh Hùng, anh Đô, anh Năm Lượm, anh Phúc… những người lái xe ôm ở khu vực này chứng kiến nạn rải đinh và có khi họ cũng là nạn nhân của bọn chúng. Không những thế, khi thấy tôi quan tâm muốn biết tường tận, một chị phụ nữ bụng mang dạ chửa nói với tôi, giọng đầy bức xúc: “Chúng nó thất đức quá chú ạ! Bao nhiêu người chết oan uổng vì tai nạn giao thông ở đây rồi nhưng lương tâm của chúng (bọn rải đinh) “rách nát” quá mà chính quyền thì bó tay, chưa có biện pháp gì để xử lý. Chú coi, ăn thua gì đâu vài chục nghìn bạc mà bọn chúng táng tận lương tâm đến thế? Đoạn đường này hằng ngày đều có người đi nhặt đinh, toàn là đinh hai, ba chấu thôi, rất ít đinh nụ! Cứ sáng sớm là đã có người “dính” đinh và y như rằng chỉ cần đi một đoạn, chú ý sát mép đường nơi xe máy thường chạy, thể nào cũng nhặt được mươi lăm cái. Do có người nhặt được nhiều quá nên chúng dùng thủ đoạn bỏ vào những nơi có cát, nơi cạnh ổ gà rất khó phát hiện. Trước thì tôi cũng còn hay nhặt nhưng cũng sợ khi mình nhặt thì xe bọn chúng liều lĩnh đâm vào lại khổ cho mình nữa, nên thôi.”
Tôi đến quán tìm gặp anh Năm Lượm nhưng chị vợ cho biết anh vừa chở khách lên thành phố nên đành lên xe đi tiếp.
Rõ ràng, những gì mà tôi chứng kiến và phản ánh của những người dân nơi đây là có cơ sở, cho thấy nạn rải đinh ở tuyến đường này thực sự đã tồn tại dai dẳng từ lâu, khi ngấm ngầm hoạt động, khi liều lĩnh ngang nhiên, thách thức dư luận, đi kèm với nó là hiện tượng “chặt, chém” người đi đường khi không may bị “lọt vào ổ phục kích, sập bẫy” của bọn chúng.
Đã đến lúc cấp ủy chính quyền khu phố 6, phường Linh Trung và cơ quan chức năng khu vực này cần có biện pháp ngăn chặn, phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm; kịp thời xử lý kiên quyết những kẻ còn nấp trong bóng tối gieo rắc mầm họa cho người đi đường. Về lâu dài, Nhà nước cần tăng cường chế tài xử phạt nghiêm khắc những hành động cố tình vi phạm, tịch thu toàn bộ dụng cụ hành nghề, tài sản do thu lợi bất chính mà có, tăng nặng thêm khung hình phạt ở điều 8 của Luật Giao thông đường bộ hiện hành; cấp phép hành nghề cho người sửa chữa xe. Chẳng hạn, chủ tiệm sửa xe nhất thiết phải có đủ điều kiện cho phép về trình độ tay nghề, đạo đức nghề nghiệp, có các bản cam kết và được quản lý chặt chẽ. Kiên quyết cấm các đối tượng chữa xe, vá xe dạo hành nghề.
Hoàng Gia