Việc đưa điện lưới về vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, cải thiện đời sống người dân, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đưa điện về vùng khó

Ở huyện miền núi Thanh Sơn, do địa bàn chia cắt, hiểm trở, đi lại rất khó khăn nên việc phủ lưới điện quốc gia đến các khu dân cư vùng sâu, vùng xa đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của ngành điện. Dự án "Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2016-2020" do Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Phú Thọ triển khai đã góp phần đáng kể vào việc mang ánh sáng về với bản làng.

leftcenterrightdel
 Có điện lưới quốc gia, thầy trò ở khu Hồ có điều kiện học tập thuận tiện nhờ hệ thống máy vi tính kết nối internet.

Cách đây 5 năm, điện còn là niềm mơ ước của đồng bào ở khu Hồ, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn. Nhờ có chương trình đưa điện về nông thôn, người dân nơi đây đã có nhiều tiện lợi trong sinh hoạt, đồng thời vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Từ ngày có điện lưới quốc gia, thầy trò ở điểm lẻ trường mầm non và tiểu học khu Hồ đã được học tập qua internet. Mùa đông trở nên ấm áp và mùa hè cũng mát mẻ hơn từ khi có điện.

Nhờ đó, việc dạy và học ở đây cũng được nâng lên, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ hơn. Thầy Đặng Quyết Chí, giáo viên đã gắn bó nhiều năm với giáo dục ở khu Hồ chia sẻ: “Nhờ có điện mà công việc giảng dạy được thuận lợi hơn, trường học bảo đảm ánh sáng, mùa hè các em học sinh có quạt mát. Những kiến thức trước đây ít được thấy, giờ đây các cháu có thể tìm hiểu nhiều hơn qua internet”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn thông tin thêm: Đến năm 2018, điện lưới quốc gia đã về tới 100% khu dân cư trong xã. Có điện, người dân sắm ti vi, tủ lạnh và nhiều phương tiện, vật dụng phục vụ sinh hoạt, học tập, sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội...

Từ chỗ là tỉnh có tỷ lệ số hộ nông thôn sử dụng điện thấp, tính đến nay, 100% khu dân cư có điện và hộ nông thôn trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia là kết quả từ chương trình điện khí hóa nông thôn được Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai trong nhiều năm nay.

Đặc biệt, với các huyện có dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc, việc phát triển hệ thống điện nông thôn không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn gắn kết giữa các dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ông Nguyễn Quang Lâm, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: Việc ngành điện tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân và đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn.

Từ chỗ chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở mức cơ bản như phục vụ ánh sáng sinh hoạt và một phần sản xuất nhỏ, tiến đến đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sinh hoạt và phát triển sản xuất với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn.

Tiếp nhận, đầu tư phát triển hệ thống lưới điện

Để các hộ dân được hưởng giá điện của Chính phủ, Công ty Điện lực Phú Thọ đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, tổ chức bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của các xã, Điện lực Phú Thọ và các đơn vị đều có kế hoạch sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân với chi phí cải tạo tối thiểu bình quân 1,2-1,5 tỷ đồng/xã.

6 năm trước đây, khi chúng tôi đến xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, ở nhiều khu dân cư, hệ thống lưới điện còn sơ sài. Sau khi được ngành điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo, nâng cấp, số trạm biến áp được nâng từ 8 trạm lên 13 trạm, lưới điện ở khu vực đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định, an toàn. Anh Đinh Công Thuận có xưởng sửa chữa ô tô trên địa bàn xã thấy rõ sự thay đổi này.

Ông Hà Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Văn Miếu cho biết: "Từ năm 2017, khi ngành điện tiếp nhận lưới điện từ hợp tác xã dịch vụ điện năng, nhiều trạm biến áp, các thiết chế hạ tầng ngành điện được đầu tư, nhờ đó có tác động rất lớn trong phát triển kinh tế tại khu vực này... Lúa đầy đồng, thóc đầy nhà, những mô hình kinh tế mới, cho hiệu quả cao ở các vùng quê có được cũng là nhờ một phần từ dòng điện quốc gia".

Thời gian tới, Công ty Điện lực Phú Thọ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp và bảo đảm chất lượng điện phục vụ chuyển đổi, phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, bằng việc đầu tư nâng cấp và cải tạo lưới điện trung, hạ áp, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tổn thất điện năng.

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.