QĐND - Năm 1955, Nhà máy Điện Hàm Rồng đi vào hoạt động, ngành điện Thanh Hóa lúc đó chỉ có 43 cán bộ, công nhân viên; một chi bộ Đảng... nhưng đến nay, Điện lực Thanh Hóa đã có hàng nghìn người lao động sản xuất, sản lượng điện thương phẩm năm 2014 này dự kiến đạt hơn 1,7 tỷ KWh, doanh thu bán điện đạt hơn 2.180 tỷ đồng…
Trưởng thành trong khói lửa
Năm 1964, cùng với nhân dân cả nước, cán bộ, công nhân viên (CB, CNV) ngành điện Thanh Hóa bước vào một cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt, chống lại cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ. Thanh Hóa-Hàm Rồng là một địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt bằng cả không quân, pháo hạm, tàu chiến của Mỹ. Các nhà máy nhiệt điện: Hàm Rồng, Cổ Định, Bàn Thạch bị máy bay Mỹ đánh phá nhiều lần, bị hàng nghìn quả bom, quả đạn các loại giội xuống làm hư hỏng nặng nề.
 |
Lễ khởi công Nhà bia di tích lịch sử cách mạng quốc gia Nhà máy Điện Hàm Rồng (Thanh Hóa).
|
Trong bom rơi lửa đạn, những người công nhân điện Thanh Hóa vừa sản xuất, vừa chiến đấu; xây dựng công sự đánh địch; đào hào bảo vệ máy móc, con người; quyết tâm bảo vệ dòng điện liên tục như mạch máu của cơ thể sống; địch vừa đánh hỏng nhà máy điện, đánh tan nát đường dây tải điện, lập tức lại khắc phục, sửa chữa ngay; vừa làm, vừa sáng tạo, vừa chiến đấu địch để bảo vệ mình, bảo vệ dòng điện phục vụ sản xuất, chiến đấu. Ánh sáng điện vẫn luôn tỏa sáng trên phố phường, trong các cơ sở sản xuất của thị xã Thanh Hóa.
Theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, 214 CB, CNV của ngành điện Thanh Hóa đã lên đường đánh Mỹ và 14 người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những thành tích trên của ngành điện Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Năng động trong sản xuất, kinh doanh
Năm 1975, hòa bình lập lại, ngành Điện lực Thanh Hóa đã khẩn trương nối liền lưới điện Thanh Hóa với hệ thống lưới điện miền Bắc, xây dựng thêm 5 cụm phát điện diesel, phục hồi nhà máy điện trung tâm, nâng sản lượng điện trước đó từ 8.292.041 kWh/năm lên 25.193.807 kWh/ năm vào cuối năm 1975; xây dựng, mở rộng mạng lưới điện đến các vùng nông thôn, nông trường, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, các hợp tác xã nông-lâm-ngư nghiệp, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị, an ninh-quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Những ngày đầu thời kỳ đổi mới, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của ngành điện lực Thanh Hóa còn hạn chế về số lượng, non trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, hạn chế về kinh nghiệm, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhưng đã phải đảm nhiệm những nhiệm vụ hết sức nặng nề, nên việc quản lý, vận hành các nhà máy điện, hệ thống lưới điện cao thế, trung thế và hạ thế trong toàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Song, ngành điện lực Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu xây dựng, quản lý vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện từ 0,4kV đến 220kV trên địa bàn; giám sát thi công xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam mạch 1, góp phần hoàn thành mục tiêu thông suốt dòng điện BắcNam.
Đặc biệt, tháng 1-2014, ngành điện Thanh Hóa đã đưa điện về tới xã vùng cao Mường Lý, huyện Mường Lát (cách TP Thanh Hóa gần 300km). Cũng cần nói thêm, đây là xã cuối cùng của Thanh Hóa được hòa lưới điện quốc gia. Trước thời điểm trên, 16 thôn bản với gần 4.600 nhân khẩu ở Mường Lý luôn phải sống trong cảnh không điện.
Đến nay, với hơn 5.100km đường dây trung thế, 10.200km đường dây 0,4kV, 52 trạm biến áp (TBA) trung gian, hơn 3.600 TBA phân phối, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã cấp điện lưới quốc gia cho 27/27 huyện, thị xã, thành phố, đạt 100%. Trong đó: 585/585 xã có điện, đạt 100%. Có 880.307/891.739 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia (đạt 98,71%). Số hộ nông thôn có điện đạt 98,53%; sản lượng điện thương phẩm đến nay đã đạt hơn 1,7 tỷ kWh/năm; tỷ lệ tổn thất điện giảm 0,1% so với kế hoạch được giao.
Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Trịnh Xuân Như khẳng định: “Mặc dù với địa bàn rộng lớn, dân cư đông, nhiều đơn vị hành chính đứng đầu miền Bắc, nhưng công ty đã quản lý vận hành lưới điện bảo đảm an toàn, ổn định, hiệu quả, hạn chế tối đa sự cố chủ quan gây tai nạn hoặc hư hỏng thiết bị, tài sản và con người; hoàn thành mọi chỉ tiêu kinh doanh bán điện cấp trên giao; đầu tư xây dựng cải tạo và xây dựng mới để duy trì và phát triển lưới điện rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị là cấp điện ổn định, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và an sinh xã hội của địa phương”.
Bài, ảnh: PHÚ THẮNG