Phun thuốc phòng chống tiêu chảy cấp nguy hiểm tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thái Sơn

QĐND Online - Trong khi dịch tiêu chảy cấp không ngừng gia tăng ở miền Bắc với hàng trăm bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả, thậm chí phẩy khuẩn này đã theo chân người bệnh từ Hà Nội vào tới Quảng Bình thì trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên đã xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 9/4/2008). Nỗi lo bùng phát dịch tả ở một thành phố đông dân cư và có biến động dân cư lớn nhất cả nước đã thành hiện thực.

Nhiều điều kiện gây bệnh khác với miền Bắc

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và môi trường- Bộ y tế cho biết, có 2 yếu tố cơ bản phát sinh bệnh tả là nguồn bệnh( chỉ có ở người mang bệnh và người lành mang trùng) và các điều kiện để lan truyền như nước, thực phẩm... có phẩy khuẩn tả mà người ăn vào. Theo TS Nga, nếu như ở miền Bắc, người dân có thói quen dùng phân tươi bón cho rau thì ở miền Nam người dân lại không có tác phong sản xuất lạc hậu này, chỉ trừ một số bộ phận người Bắc di cư vào sống ở vùng ven thành phố Biên Hoà- Đồng Nai. Tuy nhiên người dân miền Nam rất nhiều nơi lại làm hố xí ngay trên kênh rạch, sẽ là điều kiện thuận lợi cho phẩy khuẩn tả nhanh chóng lan rộng trên nước bề mặt, nếu phân người bệnh và người lành mang bệnh phóng uế xuống kênh rạch.

Do đặc điểm của thời tiết nóng quanh năm nên thói quen dùng nước đá của người dân thành phố Hồ Chí Minh là thường xuyên, hầu như tất cả mọi đồ uống của người dân nơi đây đều có đá lạnh. Nếu không kiểm soát được vệ sinh nguồn nước đá thì nguy cơ nhiễm bệnh của người dân là rất lớn. Đặc điểm của thời tiết nơi đây còn là điều kiện tốt cho ruồi nhặng phát triển nhiều, thức ăn đường phố hay những nơi không bảo quản tốt cũng là môi trường cho ruồi truyền vi khuẩn gây tiêu chảy cấp.

Thành phố Hồ Chí Minh còn là địa phương có nhiều bếp ăn tập thể lớn, nếu nguồn thực phẩm bị ô nhiễm( có sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây tiêu chảy cấp trong đó có tả) thì số người mắc sẽ xuất hiện hàng loạt, công nhân sẽ là đối tượng dễ mắc nhất. Mặt khác, đây còn là thành phố có biến động dân cư lớn, khó kiểm soát được sự phát tán vi khuẩn gây bệnh từ người lành mang trùng.

Thời điểm xuất hiện ca bệnh tả đúng vào lúc dịch sốt xuất huyết đến mùa “trỗi dậy”, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng nếu mắc đồng thời 2 bệnh một lúc, khả năng điều trị cũng như phác đồ điều trị của các bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn trước sự song hành của hai dịch bệnh này.

“Lên dây cót” trước dịch bệnh

Bệnh nhân nữ 71 tuổi ở phường Hiệp Bình Chánh- Thủ Đức là trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh ngày 9/4/2008. Kết quả điều tra dịch tễ đã xác định bệnh nhân này có ăn thức ăn chay bán rong ở chợ dẫn đến tiêu chảy. Trung tâm y tế dự phòng thành phố và quận Thủ Đức đã tiến hành tiêu trùng khử độc bằng chloramin B nơi bệnh nhân sinh sống. BS Lê Trường Giang- Giám đốc Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ngay từ khi Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc xuất hiện dịch tiêu chảy cấp, Sở y tế TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đối mặt với dịch bệnh vì nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn. Với những đặc điểm về thời tiết, môi trường, thói quen sinh hoạt của người dân, mức độ biến động dân cư hiện nay..v…v.. thì dịch bệnh xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh là rất có thể xảy ra thậm chí có thể còn bùng phát dữ dội hơn Hà Nội nếu người dân không có ý thức phòng bệnh và các ngành liên quan như y tế, công thương, nông nghiệp- nông thôn… không có các biện pháp chống dịch tốt.

Theo BS Giang, mầm bệnh gây tiêu chảy cấp và tả ở TP phố Hồ Chí Minh không thể ngăn chặn được, do vậy yêu cầu phải phát hiện sớm ca bệnh và khống chế tốt dịch. Khó khăn đang đặt ra trong vấn đề quản lý nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt là còn 20% người dân thành phố chưa được sử dụng nước máy mà dùng nhiều nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Trong 80% người dân được sử dụng nước máy thì có một bộ phận phải sử dụng nước máy ở cuối nguồn nước nên dư lượng clo trong nước ít, họ lại phải trữ nước lâu ngày ở các bể chứa nên chất lượng vệ sinh cũng không đảm bảo. Sở y tế đã sử dụng choloramin B cho những khu vực này và tại nguồn nước của các trường học. Tại huyện Cần Giờ, các xà lan nước đưa xuống cho người dân cũng được khử chloramin B. Vôi bột và 1 triệu viên chloramin cũng đã sẵn sàng tung ra sử dụng khi dịch xảy ra.

Sở y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo cho các bệnh viện sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được kiểm tra giám sát chặt chẽ, các cơ sở sản xuất nước đá, hàng ăn không đủ tiêu chuẩn vệ sinh sẽ phải đóng cửa. BS Giang cũng nhấn mạnh, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của liên ngành của TP Hồ Chí Minh, người dân cần phải ý thức tự giác bảo vệ sức khoẻ của chính mình và cộng đồng, thực hiện tốt ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh thì mới có thể khống chế được dịch bệnh.

Hải Duy