Hiện, Hà Nội đã có 5.044ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ,... Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể kể đến, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh, huyện Thạch Thất; Hợp tác xã rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức;... Đối với chăn nuôi, thành phố phát triển mô hình theo hai hình thức, là: Mô hình chuỗi khép kín do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm; mô hình chuỗi liên kết lấy các tổ chức nông dân như hợp tác xã, hội nông dân tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của thành phố làm trọng tâm từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, giết mổ, sơ chế, cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.
Các mô hình phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao đã phát huy hiệu quả kinh tế, đang dần khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc dễ dàng hơn trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm bán trên thị trường. Thành phố có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Qua đó, đời sống, mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao, theo đúng định hướng của thành phố xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Dù có nhiều lợi ích như vậy nhưng việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn còn gặp bài toán khó về đầu tư nguồn vốn lớn, đầu ra tiêu thụ chưa chắc chắn. Đây là những trở ngại để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng an toàn. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp theo phương pháp truyền thống gặp nhiều khó khăn. Tháng 8-2021, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 đã tổ chức nhiều khóa học trực tuyến miễn phí hướng dẫn kết nối tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng thông qua các hình thức thương mại điện tử, bán hàng online và livestream trên mạng xã hội. Đây cũng là cơ hội để những người làm nông nghiệp tiếp cận với những phương thức mới, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội, thành phố định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, nông nghiệp đô thị, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP. Phấn đấu năm 2025, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 70%. Cùng với đó, thành phố cũng tăng cường hỗ trợ kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, để tạo đầu ra cho sản phẩm bền vững. Xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn về sản xuất nông sản hữu cơ và an toàn thực phẩm. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp phát huy lợi thế và nâng cao sức cạnh tranh của các làng nghề truyền thống. Với mục tiêu của thành phố xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, khái niệm nông sản sạch sẽ không còn xa lạ. Từ đó, người dân sẽ không còn phải lo lắng về việc tiêu dùng nông sản trong mỗi bữa ăn hằng ngày của gia đình.
NGUYỄN VŨ