Tuy nhiên, một số địa phương có những quyết định trong tình thế bị động, có phần cực đoan và quá đột ngột nên doanh nghiệp vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, nay lại càng thêm khó khăn...

Người dân, doanh nghiệp gặp khó vì bị "dập cầu dao"

Những ngày vừa qua, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhận được rất nhiều phản ánh của doanh nghiệp về những khó khăn mà họ gặp phải do các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách cứng nhắc, thậm chí cực đoan; nhiều quyết định được ban hành quá đột xuất, theo kiểu "dập cầu dao", khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, gặp khó khăn kép.

 Công nhân Công ty TNHH Tabuchi Electric Việt Nam, KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh) đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: TTXVN

Một câu chuyện rất đáng nhắc tới là trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, tỉnh Hải Dương là tâm dịch, UBND TP Hải Phòng đã ban hành quyết định dừng tiếp nhận tất cả công nhân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng không được sử dụng lao động đến từ Hải Dương. Quyết định đột ngột của Hải Phòng khiến người dân và doanh nghiệp Hải Dương khốn đốn vì nông sản đến kỳ thu hoạch đứng trước nguy cơ không thể tiêu thụ được, hàng hóa từ Hải Dương không thể đưa ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã phải gửi công văn kêu cứu tới Bộ Công Thương và TP Hải Phòng. Sau đó, dịch Covid-19 phát sinh tại TP Hải Phòng, đến lượt tỉnh Quảng Ninh ngăn người và xe từ Hải Phòng sang. UBND TP Hải Phòng lại có công văn đề nghị tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh quyết định vì giao thương hàng hóa bị ách tắc.

Câu chuyện của Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh giờ đang lặp lại ở một số địa phương. Ngày 31-5, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu tất cả các trường hợp đi về từ vùng dịch phải cách ly 21 ngày; tạm dừng tất cả hoạt động vận chuyển hành khách từ thành phố Hồ Chí Minh về địa phương. Ngay sau đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng lại phải gửi công văn tới Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị mở cửa chợ hoa Đầm Sen vì khi chợ này đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, lượng hoa tươi sản xuất ra tại Đà Lạt bị ùn ứ, không tiêu thụ được...

Trước tình hình một số địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch cứng nhắc, tới mức cực đoan gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu các cơ quan hữu quan rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phải “kêu cứu” tới Ban IV vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” quá mức cần thiết.

Cần các kịch bản để duy trì chuỗi cung ứng sản xuất

Thực tế dịch bệnh ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy, khi doanh nghiệp lơ là trong công tác phòng, chống dịch, chính doanh nghiệp là người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ bị đình trệ. Vì thế, bản thân các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực hết mình trong công tác phòng dịch, bảo đảm an toàn nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Là người trực tiếp tiếp nhận rất nhiều phản ánh từ người dân, doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp luôn sẵn sàng ủng hộ các quyết sách có sự cân nhắc thấu đáo, nhiều chiều của Chính phủ và các cấp chính quyền. Doanh nghiệp rất hiểu rằng, những quyết sách ấy cũng là hướng tới bảo đảm an toàn cho chính doanh nghiệp, tránh trường hợp đáng tiếc như nhiều doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

 Ảnh minh họa/TTXVN 

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, mỗi địa phương bên cạnh việc xây dựng các kịch bản chống dịch tập trung cho các nội dung y tế thì cần có thêm các kịch bản cụ thể bảo đảm duy trì các chuỗi cung ứng sản xuất, đặc biệt là các chuỗi gắn với các mặt hàng thiết yếu hay mặt hàng xuất-nhập khẩu chủ đạo. Ngay từ khi chưa xảy ra dịch bệnh, các tỉnh nằm trong các chuỗi liên kết hàng hóa lớn, hay chung các cung đường vận tải quan trọng nên có các chương trình thảo luận (có tham vấn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình này) để xây dựng sẵn các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa, các vùng đệm trao đổi nhân sự... khi dịch bệnh xảy ra...

Có thể thấy, nếu các địa phương có các kịch bản ứng phó với từng mức độ bùng phát dịch bệnh khác nhau, thậm chí có tổ chức diễn tập, thì việc thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã đề ra sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Khi ấy, không chỉ chính quyền các địa phương có thể chủ động hơn trong tổ chức quản lý nhà nước, mà người dân và doanh nghiệp cũng có thể chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Bài học từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, nhờ sự chủ động xây dựng kịch bản tổ chức bầu cử ở 4 mức độ bùng phát dịch bệnh khác nhau và với sự diễn tập rất nhuần nhuyễn ở các địa phương, nên cuộc bầu cử đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp, tỷ lệ cử tri đi bầu cử còn cao hơn cả cuộc bầu cử trước trong điều kiện bình thường.

CHIẾN THẮNG