QĐND - Đang lúc bận rộn công việc ở cơ quan cuối ngày, tôi bỗng nhận được cú điện thoại của Xuyên, anh bạn thân từ hồi học phổ thông. Giọng cậu ta xen lẫn tiếng xe cộ ngoài đường:

- A lô! Ông đang làm gì đấy? Thôi, việc gì cũng phải giúp tôi một tay…

- Có chuyện gì vậy? Hãy bình tĩnh nói cho mình nghe nào!

Thì ra Xuyên điện thoại gấp nhờ tôi can thiệp giúp, vì cậu ta đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đang bị cảnh sát giao thông giữ xe, yêu cầu nộp phạt. Qua lời Xuyên, khi chiếc xe ô tô 5 chỗ của cậu ta đang lướt êm trên Quốc lộ 1, đoạn gần thành phố Ninh Bình, thì bị xe cảnh sát giao thông đuổi theo, yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe. Tưởng mình không vi phạm gì nên Xuyên nhất quyết không xuất trình giấy tờ. Mãi đến khi tổ công tác cung cấp bằng chứng xe chạy quá tốc độ trong khu dân cư, đè vạch “cứng” gần giao lộ, yêu cầu ký biên bản nộp phạt, lúc ấy cậu ta mới đuối lý và gọi điện cho tôi “cầu cứu”!

- Ông ạ, thực ra là tôi cũng sai rồi! Chỉ vì lúc đang lái xe có cú điện thoại của bà xã gọi về đưa đi ăn giỗ, mải nghe, một tay cầm điện thoại, một tay nắm vô lăng, thiếu quan sát nên đè vạch, vít ga quá mức mà không biết. Giờ họ yêu cầu ký nộp phạt, mấy triệu bạc chứ đâu có ít. Ông xem có cách gì can thiệp với “sếp” của họ giúp tôi!-Xuyên nói với tôi, giọng đã dịu hơn.

Tôi giải thích với Xuyên là mức xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật có các chế tài quy định rất chi tiết từng hành vi, lỗi vi phạm, mức xử phạt… Lỗi vi phạm tốc độ còn được lưu cả trong thiết bị chuyên dụng của cảnh sát giao thông, không thể “sửa chữa” hay giảm nhẹ lỗi phạt được. Hơn nữa, tôi cũng nói thật là… không quen ai có thể giúp cậu ta được việc này.

- Thôi, cố mà nộp phạt, coi như bài học sâu sắc khi tham gia giao thông.-Tôi nói với Xuyên như vậy!

- Thế thì tôi chịu rồi. Tưởng ông trên Hà Nội, quen biết nhiều nên tôi mới nhờ…

Biết bạn chưa thực sự hài lòng, nhưng có dịp gặp, tôi sẽ giải thích để Xuyên hiểu hơn. Tôi cũng định sẽ nói với Xuyên rằng, bữa sau không nên vừa lái xe vừa nghe điện thoại, vì như thế dễ xảy ra tai nạn.

Thực tế, không chỉ với ô tô, xe gắn máy, mà ngay cả với xe đạp điện cũng từng xảy ra tai nạn khi chủ phương tiện mải nghe điện thoại. Mới đây, đoạn đường gần nhà tôi cũng có trường hợp cô gái đi xe gắn máy “tông” vào dải phân cách chỉ vì đang mải mê buôn chuyện cùng “dế yêu”! Còn ở tầm vĩ mô, theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc chủ phương tiện nghe điện thoại di động trong lúc lưu thông trên đường xảy ra ngày càng nhiều. Rất tiếc, hiện nay việc tuyên truyền, giáo dục, nhất là trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng… chưa được coi trọng; việc nhắc nhở, xử phạt hành vi này của lực lượng thực thi pháp luật cũng chưa thực sự cương quyết, dẫn đến sai phạm kép của người điều khiển phương tiện. Mong sao hiện tượng “vừa đi xe vừa nghe điện thoại” sẽ từng bước được ngăn chặn, để những người như bạn tôi không phải bức xúc, xin xỏ khi phải mất tiền nộp phạt!

NHẤT NGÔN