QĐND - Ngày 2-7, thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn thành ngày thi thứ hai Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 với phần dự thi môn Ngữ văn và Vật lý. Tại các điểm thi, dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phần đông TS đều hài lòng với bài thi của mình bởi đề thi không "đánh đố", đặc biệt là không chênh lệch về độ khó so với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố trước đó.
Đề thi hay, tính phân loại cao
Sáng 2-7, sau khi kết thúc phần thi môn Ngữ văn, theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tại một số cụm thi, hầu hết TS đều cho rằng, đề thi Ngữ văn gây hứng thú cho TS khi đề cập đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, đến cuộc sống gian khổ của người lính canh giữ đảo, về rèn kỹ năng sống, về bệnh vô cảm... Chính yếu tố thời sự cùng với câu hỏi nhẹ nhàng, không "đánh đố", giúp các TS tự tin với bài làm của mình.
Là một trong những TS ra khỏi trường thi tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sớm nhất, thí sinh Trần Văn Quang ở Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ: “Đề thi môn Ngữ văn khá thú vị, kiến thức đều nằm trong chương trình em ôn luyện. Đề thi gồm 10 câu, 8 câu đọc hiểu và 2 bài làm văn. Ấn tượng nhất với em là những câu hỏi về phần đọc hiểu có liên quan đến những người lính đảo, đến biển, đảo quê hương. Chủ đề này được nhắc đến nhiều trong cuộc sống hằng ngày nên không gây khó cho em trong quá trình làm bài.”
 |
Thí sinh và người nhà được các chiến sĩ tình nguyện giúp đỡ tại cụm thi do Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức. Ảnh: Thu Hà
|
Còn tại điểm thi Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội, thí sinh Nguyễn Việt Anh (Hà Nội), hào hứng cho biết: Bài làm văn với chủ đề bày tỏ suy nghĩ trước việc rèn luyện kỹ năng sống cũng như việc tích lũy kiến thức. Tuy chủ đề không mới nhưng khá mở, lại mang tính chất vận dụng cao, đòi hỏi TS phải có kiến thức sâu rộng, sáng tạo và thực tiễn cuộc sống mới làm tốt được.
Dù thời gian làm bài Ngữ văn chưa hết nhưng tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhiều TS đã hoàn thành xong và ra sớm. thí sinh Đông Trang cho biết: Đề thi năm nay khá dài nhưng không khó và khá thú vị. Trang tỏ ra khá thích thú với nội dung thi liên quan đến các vấn đề thời sự như bệnh vô cảm, kỹ năng sống và tin tưởng sẽ giành điểm cao.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An, cho rằng: Đề thi môn Ngữ văn năm nay hay, nội dung kiến thức và kỹ năng được kiểm tra trong đề vừa phù hợp với tâm thế, năng lực của học trò; đáp ứng khả năng kiến thức cơ bản của học sinh; vừa cập nhật những yêu cầu của cuộc sống lịch sử-xã hội. Các kiến thức tiếng Việt như thể thơ, biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt; các kỹ năng cảm thụ, bình luận và trình bày cách đánh giá riêng của mình về một vấn đề của xã hội hoặc văn chương, đều được đặt ra trong yêu cầu của đề thi. Điều này giúp kiểm tra năng lực và kiến thức toàn diện của học trò. Đề thi có khả năng phân hóa cao, vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời hai yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường đại học, cao đẳng… Học sinh trung bình có thể trả lời được những câu phần đọc hiểu; có thể lý giải được ở mức độ nhận biết và thông hiểu đối với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Học sinh khá và giỏi, ngoài mức độ nhận biết và thông hiểu có thể trả lời sâu sắc ở mức độ vận dụng và vận dụng cao với cả hai phần đọc hiểu và làm văn.
Chiều 2-7, gần 470 nghìn TS cả nước bước vào phần thi môn Vật lý theo hình thức trắc nghiệm 90 phút. Nhận xét chung về đề thi Vật lý, nhiều TS đánh giá đề có tính phân loại cao, những câu kiểm tra kiến thức lý thuyết đều nằm trong chương trình và có thể giúp TS dễ dàng lấy điểm. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi khó cũng khá nhiều nên để đạt điểm giỏi rất khó.
Tự tin với phần thi của mình, thí sinh Nguyễn Thị Thu Trang, cụm thi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hào hứng: “Do theo học khối A, nên đây là môn thế mạnh của em. Đề thi được sắp xếp tăng dần độ khó nên đã không gây sốc cho TS. Tuy nhiên, đề hơi dài và các TS cần phải làm nhanh mới kịp thời gian”.
Theo nhận xét của thầy Trần Quốc Thanh, Tổ phó chuyên môn Trường THPT Phan Thiết (Bình Thuận), với đề thi này, số học sinh đạt điểm giỏi có thể sẽ giảm. Những câu trung bình của đề năm nay nhìn chung tương đương với những câu trung bình của đề thi tốt nghiệp THPT năm trước. Thầy Trần Quốc Thanh cũng cho rằng: Kiến thức đề thi môn Vật lý năm nay nằm trong chương trình phổ thông (chủ yếu lớp 12). Trong đó, có khoảng 55% câu hỏi ở mức độ trung bình, 15% ở mức độ khá và 30% ở mức độ giỏi. Học sinh trung bình có thể đạt từ 5 đến 5,5 điểm. Học sinh khá có thể đạt điểm 7 và điểm 9 chỉ dành cho học sinh giỏi, nhưng điểm 10 thì rất ít. Mức độ phân hóa của đề rất rõ giữa trung bình, khá, giỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ các câu ở mức độ khá ít hơn. Các câu ở mức độ giỏi thì tăng thêm so với năm trước. Do đó, học sinh đạt điểm giỏi sẽ giảm hơn so với năm trước.
Sôi nổi hoạt động tiếp sức mùa thi
Từ 5 giờ 30 sáng, tại cụm thi do Học viện Kỹ thuật Quân sự (Hà Nội) tổ chức, những chiến sĩ tình nguyện viên trong bộ quân phục nhanh chóng dọn dẹp khuôn viên trường thi, kê bàn ghế, bê dù che nắng, nước uống miễn phí đến các điểm cần phục vụ… Mới 6 giờ sáng, mọi việc đã được chuẩn bị xong xuôi sẵn sàng đón tiếp TS đến dự thi.
Bốn năm làm công tác tình nguyện, Thượng sĩ Trần Văn Nam, phụ trách sinh viên tình nguyện tại điểm thi của Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho biết: Điểm thi tại Học viện Kỹ thuật Quân sự có 24 sinh viên tình nguyện đóng chốt từ sáng tới chiều. Mỗi người làm một nhiệm vụ, bạn thì làm công tác nhận, trông đồ cho TS, phân luồng giao thông, túc trực ở khu vực cổng trường để hướng dẫn thi sinh và người nhà… sẵn sàng giúp đỡ nếu TS quên, hoặc mất chứng minh thư, giấy tờ.
Cô Trần Thị Hương từ Hải Hậu (Nam Định) đưa con tới đây dự thi chia sẻ: “Từ quê lên đưa con đi thì, có nhiều bỡ ngỡ, may mà có khó khăn gì cũng đều được các chiến sĩ giúp đỡ tận tình."
Đại tá Lê Minh Thái, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015, cụm thi do học viện chủ trì có 16.674 TS đăng ký dự thi. Học viện bố trí 22 điểm thi với 613 phòng thi. Ngoài số cán bộ trực tiếp đảm nhiệm việc coi thi, còn có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và 260 sinh viên tình nguyện phục vụ kỳ thi.
Hòa chung không khí "Tiếp sức mùa thi" trên cả nước, tại thành phố Plei-cu (Gia Lai) là nơi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 của học sinh hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, với 15.512 TS tham gia. Trong những ngày qua, trên khắp các ngả đường ở thành phố đều được phủ kín bởi màu áo xanh tình nguyện. Họ tự tin làm “hướng dẫn viên” chỉ đường, đưa đường, phát cơm, phát nước miễn phí cho học sinh và phụ huynh.
Ông Lê Duy Định, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết: Nhờ nỗ lực của lực lượng tình nguyện, cụm thi tại tỉnh Gia Lai đã sắp xếp được 18.968 chỗ ở cho TS và người nhà. Trong đó, có 1.100 chỗ trọ miễn phí; hơn 1.300 lượt xe ôm miễn phí và khoảng 10.300 suất ăn miễn phí để cung cấp cho các học sinh và người nhà.
Không giấu được niềm vui, phụ huynh Hà Thị Mai đến từ huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, cho biết: “Tôi ở xa, đưa cháu về thi lo lắng lắm. Rất may, gặp được các cháu tình nguyện viên tận tình hướng dẫn, đưa tới phòng trọ miễn phí, gần điểm thi, đi lại thuận lợi, tôi rất tin tưởng và yên tâm”.
Số thí sinh bị kỷ luật tăng vọt trong ngày thi thứ hai
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT): Ngày thi thứ hai, tỷ lệ TS dự thi khá cao, đã có 928.949 TS dự thi môn Ngữ văn, đạt tỷ lệ: 99,03%; Tỷ lệ dự thi môn Vật lý đạt 98,26%, với tổng số 463.182 TS dự thi. Ngày thi thứ hai, với sự xuất hiện của môn Ngữ văn đã khiến cho số TS bị kỷ luật tăng vọt so với ngày thi thứ nhất. Sau khi môn Ngữ văn kết thúc, đã có 320 TS bị kỷ luật; trong đó có 298 TS bị đình chỉ, 9 TS bị khiển trách và 13 TS bị cảnh cáo. Môn thi Vật lý chiều 2-7, số TS bị kỷ luật là 14. Như vậy, tổng số TS bị kỷ luật trong ngày thi thứ hai là 334, tăng vọt so với ngày thi thứ nhất.
Ngày 3-7, thí sinh sẽ dành 180 phút buổi sáng để làm bài thi Địa lý; buổi chiều làm bài thi Hóa học với thời gian 90 phút.
VŨ DUNG - THU HÀ - QUANG HỒI - VĂN CHUNG - KIÊN MINH