QĐND - Từ chiều 11-3, giá xăng đã thêm hơn 1.600 đồng/lít. Từ ngày 16-3 tới, giá điện sẽ tăng thêm 7,5%. Từ ngày 1-5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ tăng từ 600 đến 2000 đồng/lít. Trước thông tin này, nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, việc tăng giá điện, xăng ảnh hưởng không nhiều đến chỉ số giá cả, vấn đề quan trọng và cấp bách lúc này là phải ngăn chặn tình trạng giá cả “té nước theo mưa”…
CPI năm 2015 khoảng 0,23% do tăng giá điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn này đã tính toán giá điện dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất điện. Các chi phí đã được cập nhật từ lần điều chỉnh tăng giá gần nhất vào ngày 1-8-2013 và đến thời điểm xây dựng phương án giá điện mới ngày 31-1-2015. Cụ thể, nếu tính toán đầy đủ chi phí phát sinh thì giá điện lần này sẽ phải tăng khoảng 12,8%. EVN đã có văn bản kiến nghị tăng 9,5%. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Chính phủ chỉ cho phép điều chỉnh tăng ở mức 7,5%. Với mức tăng này, EVN sẽ tăng doanh thu 13.000 tỷ đồng trong năm 2015.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Qua tính toán, việc tăng giá điện 7,5% kể từ ngày 16-3 tới sẽ tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 khoảng 0,23%. Đồng thời, tiền điện tăng thêm bình quân mỗi hộ tiêu thụ 50kWh/tháng khoảng 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100kWh/tháng khoảng 9.800 đồng. Tỷ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép và xi măng khoảng từ 0,07 - 0,66%. Biểu giá điện lần này cũng tính tới ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo tính toán, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến sẽ tăng thêm mỗi năm là 153 tỷ đồng (hiện tại khoảng 1000 tỷ đồng).
 |
Giá cả hàng hóa tại các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh vẫn ổn định. Trong ảnh: Người dân mua sắm ở Coopmart. Ảnh: Hùng Khoa. |
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, mức tăng giá điện bình quân 7,5% là khá cao vì các đợt tăng trước đây chỉ từ 5 đến 6%. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 12-3, Tiến sĩ Nghiêm Văn Bảy, giảng viên Học viện Tài chính bình luận, lần tăng giá này, các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu mức tăng cao hơn 7,5%, cùng với việc tăng giá xăng, dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Đúc-Luyện kim Việt Nam, đối với ngành thép, chỉ tính riêng sản xuất phôi thép, với mức tăng giá điện 7,5% thì sẽ phải tốn thêm 30-45KWh điện để sản xuất ra một tấn phôi thép. Dựa trên mức tiêu hao điện năng từ khâu luyện phôi đến cán thép, mức tiêu hao điện năng sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm khoảng 80.000-100.000 đồng/tấn. Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo nhận định: Việc Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng 7,5% giá bán điện sẽ ảnh hưởng tới việc tăng giá thành sản xuất của ngành giấy từ 0,5 đến 0,8% và chắc chắn ngành sản xuất giấy sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định.
Giá xăng, dầu tăng theo giá thế giới
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày 12-3, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Nguyên nhân tăng giá lần này là do giá xăng, dầu thế giới thời gian gần đây có chiều hướng tăng cao. Trước đó, giá xăng đã có đợt giảm liên tục từ ngày 7-7-2014 với tổng cộng mức giảm lên tới gần 40%.
Đầu tuần này, theo Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường (bắt đầu thực hiện từ 1-5-2015) đối với xăng từ 1000 đồng/lít lên 3000 đồng/lít; Nhiên liệu bay tăng từ 1000 đồng/lít lên 3000 đồng/lít; Dầu diezel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg. Chính phủ cũng khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng, dầu thế giới giảm. Vì việc tăng thuế theo phương án nêu trên chỉ nhằm bù đắp một phần giảm thu ngân sách do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành bằng mức thuế theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm.
Cần siết chặt việc quản lý, điều hành giá cả
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Nhà nước kiên định nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, xóa bỏ bao cấp, phấn đấu về cơ bản đến hết năm 2015, giá cả các mặt hàng Nhà nước còn định giá được thực hiện theo cơ chế thị trường. Như vậy, việc tăng giá xăng, dầu và giá điện vào thời điểm này là hợp lý. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng cần phải công khai, minh bạch hơn nữa đối với giá điện và giá xăng, dầu.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc giá cả hàng hóa trong nước tăng theo giá xăng, dầu, điện là hợp với quy luật. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần phải siết chặt việc quản lý giá cả để tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Tiến sĩ Nghiêm Văn Bảy cho rằng, giá xăng, dầu dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá bán vào thời điểm này năm ngoái, vì thế, nếu các doanh nghiệp chưa hạ giá cước vận tải thì không thể đòi tăng giá được. Cùng với đó, các bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách. UBND các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá trên địa bàn, địa phương theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; trước hết là kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: Y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón... và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.
Để giảm giá thành sản phẩm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp nên tính đến phương án đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế hoặc giảm tiêu thụ điện năng, xăng, dầu, có thể tính thêm phương án đẩy mạnh sản xuất vào ban đêm, tránh giờ cao điểm...
Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa có lời khuyên tới các doanh nghiệp sớm có chiến lược đầu tư thay đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất và đặc biệt, quan tâm hơn đến các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng.
ĐỖ PHÚ THỌ