QĐND Online – Sáng 21-5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2014), Quốc hội đã thông qua 18 luật và cho ý kiến 11 dự án luật khác, trong đó, có nhiều dự án luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, về tái cơ cấu nền kinh tế, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 1 pháp lệnh và cho ý kiến 1 dự án pháp lệnh khác. Tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015), Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và cho ý kiến về 15 dự án luật khác. Đến nay, các dự án luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến đã được chuẩn bị bảo đảm điều kiện trình Quốc hội.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý.

Thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục như: Số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn nhiều; chất lượng của một số dự án luật còn hạn chế, như: Tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian Luật định nên ảnh hưởng đến Chương trình làm việc của các cơ quan này và chất lượng văn bản.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục đề cao trách nhiệm xây dựng pháp luật; tập trung đầu tư nhân lực, vật lực và các điều kiện khác cho công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm tiến độ và chất lượng của dự án luật, pháp lệnh.

Về đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, dự án Luật về hội từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 sang Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2016), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội thì giữ thời hạn trình tại Kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật biểu tình, dự án Luật về hội trình Quốc hội theo tiến độ.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chuyển dự án Luật Khí tượng, thủy văn từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 lên cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 theo đề nghị của Chính phủ.

Về các dự án đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung 9 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo Nghị quyết số 70/2014/QH13 của Quốc hội, số lượng dự án trong Chương trình năm 2015 đã quá nhiều (Quốc hội thông qua 28 dự án và cho ý kiến 26 dự án). Mặt khác, năm 2015 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong khi đó, 6/9 dự án mà Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2015 chưa có trong Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Do nhiệm kỳ XIII chỉ còn Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015), Kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2015) và Kỳ họp thứ 11 (3-2016) nên việc sắp xếp chương trình trong các kỳ họp này cũng phải cân đối để thông qua số lượng dự án luật nhiều hơn các năm khác, bảo đảm hoàn thành được cơ bản Chương trình nhiệm kỳ XIII. Sau khi cân nhắc một cách toàn diện cả về sự cần thiết ban hành, phạm vi, nội dung sửa đổi của từng dự án cũng như yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội: Cho bổ sung vào Chương trình năm 2015 hai dự án luật thuộc Chương trình nhiệm kỳ XIII gồm các dự án: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) (xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Dược (sửa đổi) (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11). Đối với dự án Luật Cảnh vệ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Đối với các dự án Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2015 mà chưa có trong Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thì đề nghị chỉ bổ sung những dự án thật sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, đã được chuẩn bị kỹ và bảo đảm chất lượng, cụ thể là các dự án: Pháp lệnh Quản lý thị trường; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14-7-2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp tháng 3-2015) và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/ UBTVQH13 ngày 16-12-2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

XUÂN DŨNG