Chuyển đổi số là cơ hội sống còn với doanh nghiệp
Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp có thể được xem là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: Dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA): Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến những thay đổi vô cùng to lớn về năng suất lao động (NSLĐ), trải nghiệm của người sử dụng; nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành.
Theo dự thảo đề án Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng, các doanh nghiệp sẽ có nguy cơ phá sản nếu chậm chuyển đổi số. Vì vậy, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng hằng năm trung bình 20%, NSLĐ tăng trưởng 8-10% mỗi năm, Việt Nam đứng tốp 20 thế giới và tốp 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu…
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, đề án xác định phương châm thực hiện: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm; phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm động lực thúc đẩy chuyển đổi số. Lộ trình chuyển đổi số gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2022) sẽ tăng tốc, bao gồm việc đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, chuyển đổi số nền kinh tế-xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước. Giai đoạn 2 (2023-2025) sẽ là giai đoạn cạnh tranh, chuyển đổi số nâng cao NSLĐ, tạo ra nguồn tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Giai đoạn 3 (2026-2030) là giai đoạn chuyển đổi, phát triển nền kinh tế số, xã hội toàn diện.
 |
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Nghiên cứu và sản xuất VinSmart (Tập đoàn Vingroup). Ảnh: TUẤN NGUYỄN. |
Liên quan đến thực trạng chuyển đổi số trong các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả khảo sát nhanh mới được VINASA thực hiện với 352 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ ra rằng: 40,6% đơn vị khẳng định đã sẵn sàng nguồn lực, 23,6% đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Tuy nhiên, cũng có 30,7% nói đã tìm hiểu nhưng chưa biết cần phải làm gì; 5,1% trả lời chưa hiểu biết, chưa có hành động gì liên quan tới chuyển đổi số. Có 38% số đơn vị tham gia băn khoăn việc chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu, hay chưa hiểu tin học hóa khác với chuyển đổi số ra sao.
Trong quá trình triển khai các giải pháp chuyển đổi số ở Việt Nam, ông Park Jong Hyun, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dasan Zhone Solutions Việt Nam nhận thấy, đa số cơ sở hạ tầng mạng của doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số, nhất là trong các vấn đề tốc độ, bảo mật dữ liệu, khả năng mở rộng, lưu trữ đám mây và đơn giản hóa. Theo ông Huyn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như nhận thức chưa thông suốt, ngân sách đầu tư hạn chế, nhân lực chuyên môn còn ít...
Ngoài hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn là chính sách và khung pháp lý chưa hoàn thiện cùng thói quen ngại thay đổi cách làm.
Xây dựng chính sách thuận lợi, tránh rủi ro cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Ông Nguyễn Đình Thắng cũng đồng tình cho rằng, thể chế là yếu tố quan trọng nếu muốn doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Bởi, quá trình chuyển đổi số sẽ xuất hiện công nghệ mới và những mô hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ. Do đó, chính sách phải đi trước, tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Nhà nước cần áp dụng cơ chế sandbox, tức là cho thử nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định.
Mặt khác, sự dẫn dắt của Chính phủ là không thể thiếu. Chính phủ không chỉ kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế mà còn đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp.
Việc xây dựng, phát triển các nền tảng (Platforms) phù hợp với tình hình thực tiễn của tổ chức, doanh nghiệp cũng là giải pháp quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Để có thể kết nối hàng triệu người trong xã hội, hàng nghìn doanh nghiệp cần dựa trên Platforms. Ví như, Công ty Cổ phần Misa, một doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) chuyên về phần mềm kế toán đã đầu tư xây dựng nền tảng để những người làm kế toán chuyên nghiệp có thể làm dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc chuyển đổi số về kế toán cho những doanh nghiệp này sẽ diễn ra rất nhanh. Đồng thời, kích thích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp vì không phải đi thuê kế toán viên.
Có thể thấy, bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ. Thực tế cho thấy, trên thế giới có những doanh nghiệp chỉ 4-5 nhân viên nhưng doanh thu lên đến hàng trăm triệu USD, đó là bởi họ có chiến lược đúng, hiểu công nghệ và ứng dụng một phần công nghệ vào mô hình kinh doanh, tối ưu hoàn toàn chuỗi kinh doanh.
Ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh, bên cạnh công nghệ, chuyển đổi số còn cần tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp, nhận thức được vấn đề và phải có quyết tâm cao để thực hiện chuyển đổi số. Ngược lại, vai trò của những cá nhân, người lao động cũng rất quan trọng trong quá trình này. Do vậy, doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa để phát huy hết tiềm lực về con người trong mỗi tổ chức số. Ví dụ, vai trò của giám đốc CNTT trong quá khứ là người bảo đảm sự vận hành của máy móc nhưng trong tương lai đây phải là người tạo được giá trị gia tăng cho doanh nghiệp từ những dữ liệu, nền tảng công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chỉ ra rằng, muốn hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa chia sẻ dữ liệu. Bởi một trong những nguyên nhân khiến quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm là do các doanh nghiệp đều xây dựng dữ liệu nhưng không chia sẻ dữ liệu với nhau. Các chuyên gia công nghệ phân tích, các công nghệ mấu chốt hiện nay đều xoay quanh vấn đề dữ liệu, như IoT dùng để thu thập dữ liệu, các công nghệ Big Data, AI (trí tuệ nhân tạo) cần dữ liệu để đào tạo, xử lý, các công cụ Analytics (phân tích) cần dữ liệu để hỗ trợ quyết định… Ngoài ra, khi có dữ liệu, doanh nghiệp sẽ xác định ra các chỉ số liên quan đến nghiệp vụ của doanh nghiệp, sau đó so sánh và tập trung tối ưu cải tiến chỉ số. Hơn nữa, doanh nghiệp không thể chuyển đổi số thành công nếu không sở hữu đội ngũ nhân lực có trí tuệ tốt. Do vậy, cần đào tạo, tái đào tạo phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng CNTT, truyền thông (ICT) trên diện rộng. Muốn làm được điều đó, bản thân giáo dục cũng phải chuyển đổi số. Nếu giáo dục không tự chuyển đổi số thì cũng khó đào tạo ra được nguồn nhân lực số trong khi thời gian không chờ đợi bất cứ quốc gia nào.
TRÀ MY