QĐND Online - Trong thời gian vừa qua, truyền thông trong nước đã tốn không ít giấy mực để phân tích, đánh giá và tìm hiểu về Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông được Bộ TT&TT trình Chính phủ là sẽ tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động. Liên quan đến vấn đề này, chiều 14-2, tại buổi tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam”, đại diện Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chính thức giải thích việc tại sao chọn MobiFone là đơn vị tách ra khỏi VNPT trong đề án tái cơ cấu tập đoàn này đang trình Chính phủ.
 |
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT (người ngồi giữa) phát biểu tại buổi tọa đàm.
|
Tại sao lại tách MobiFone mà không phải là VinaPhone?
Theo lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đề án tái cấu trúc đơn vị đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ vào tháng 9-2013, dự kiến trong quý I năm 2014 sẽ được phê duyệt. Trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là tách Vinaphone hay Mobifone khỏi VNPT để cổ phần hóa, nhằm mang lại hiệu quả hoạt động và lợi ích cho doanh nghiệp.
Lý do mà VNPT và Bộ TT&TT chọn MobiFone, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước đang là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ quan tâm. Theo nhìn nhận chung, phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT trong nội dung đề án tái cơ cấu của Tập đoàn VNPT vì thứ nhất, hiện MobiFone đang có một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong Tập đoàn VNPT, khi tách ra sẽ giúp cho chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ nhanh chóng hơn. Thứ hai, phương án tách MobiFone và một số giải pháp Tập đoàn kiến nghị vẫn đảm bảo Tập đoàn VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh, tiếp tục phát triển trong thời gian tới, còn MobiFone vẫn có nhiều điều kiện phát triển, hình thành một doanh nghiệp năng động hơn.
Từ tháng 5-2012 Tập đoàn VNPT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, trong đó quan điểm của VNPT là không quản lý cùng lúc hai mạng di động, đó là VinaPhone và MobiFone.
Ông Trần Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc VNPT cho biết thêm: “VNPT đã nghiên cứu rất nhiều phương án, cân nhắc tách VinaPhone hay MobiFone, phân tích các ưu điểm và nhược điểm cả về vấn đề tài chính, kinh tế, tổ chức do đây là quyết định gây ảnh hưởng tới hàng triệu khách hàng của hai mạng. Sau một thời gian cân nhắc kỹ, VNPT đã bàn với Bộ TT&TT và cuối cùng đi đến thống nhất tách MobiFone, nhằm đảm bảo Tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh, vừa đảm bảo MobiFone tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo của VNPT, việc tách MobiFone ra là phương án tối ưu vì MobiFone được đánh giá đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong Tập đoàn VNPT. Trong khi đó, theo phân tích của lãnh đạo VNPT và Bộ TT&TT, việc tách VinaPhone sẽ gặp không ít khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp bởi đơn vị hạch toán phụ thuộc, tài sản đan xen cùng hệ thống của VNPT. Ngoài ra, VinaPhone cũng không có nhiều kinh nghiệm như MobiFone trong việc quản lý, kinh doanh độc lập.
Khi tách MobiFone ra khởi VNPT, tập đoàn này sẽ tái cấu trúc một số đơn vị thành viên, trở thành các tổng công ty quản lý nhóm lĩnh vực gồm hạ tầng mạng, dịch vụ viễn thông và truyền thông.
Sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông
Quan điểm tách MobiFone, giữ lại VinaPhone trong VNPT cũng được nhiều chuyên gia ủng hộ. Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam tốt nhất chỉ cần một doanh nghiệp nhà nước, với hai hoặc ba doanh nghiệp khác chỉ cần giữ cổ phần. Khi tách thành công MobiFone, thị trường viễn thông Việt Nam lúc ấy mới thực sự có sự cạnh tranh.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực cũng nhận định, khi không còn MobiFone, thời gian đầu VNPT sẽ khó khăn, song nếu tổ chức tốt, VNPT sẽ dần hồi phục được và hoạt động tốt hơn.
Cùng quan điểm với Tiến sĩ Mai Liêm Trực, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng: Cạnh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam là hạn chế vì số lượng thành viên không vô hạn như lúa gạo. Nguyên tắc là không lấy việc bảo vệ người chơi trên thị trường làm chính mà lấy việc tạo áp lực cạnh tranh để buộc phải thay đổi. Việc gia nhập thị trường rất tốn kém, phải tạo áp lực cạnh tranh cho những người đang chơi trên thị trường. Có nhiều cách, thứ nhất là phải sửa đổi quyền lực của người quản lý cạnh tranh. Thứ hai, chúng ta thường quên áp lực cạnh tranh của người tiêu dùng. Thứ ba, tại sao phải cổ phần hóa MobiFone vì có công nghệ tốt, sẽ tạo áp lực cạnh tranh cho hai doanh nghiệp còn lại. Ngoài ra, khi cổ phần hóa MobiFone sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực đầu tư vào viễn thông tạo áp lực cạnh tranh lành mạnh.
Sự chuyển dịch của thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm gần đây khá “ì ạch”, vì vậy việc tái cấu trúc là điều bắt buộc và có ý nghĩa sống còn của ngành viễn thông Việt Nam trong dài hạn. Tái cấu trúc không chỉ thực hiện đối với riêng Tập đoàn VNPT mà cần được tiến hành ở tất cả các doanh nghiệp viễn thông để thúc đẩy phát triển.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia đều đồng ý việc tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn VNPT và cho rằng, trong bức tranh tổng thể, việc thành lập Tổng công ty MobiFone theo đề án của VNPT góp phần tạo nên một thị trường viễn thông, với môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn là VNPT, Viettel và MobiFone, phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định: Khi thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn VNPT xong, chắc chắn thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có những đột phá mới. Tiến trình cổ phần hóa MobiFone sẽ sớm được diễn ra theo Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14-6-2005, cũng như yêu cầu có tính tiên quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thể hiện trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ.
Bài, ảnh: VĂN PHONG