Đồng chí Lương Minh Phúc, Trưởng ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Đơn vị chủ đầu tư tăng cường giám sát, đốc thúc các nhà thầu huy động tối đa phương tiện, nhân lực để hoàn thành các hạng mục theo tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm. Nhờ đó, các công trình được khánh thành, thông xe trong tháng 9 vừa qua đều vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch dự kiến vào tháng 12-2023. Bên cạnh đó, có nhiều dự án, công trình được khởi động trở lại sau thời gian đình trệ kéo dài nhiều năm đã khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của ngành giao thông và các cơ quan, địa phương liên quan. Đặc biệt là khẩn trương áp dụng các mô hình, phương thức thí điểm khi triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối với tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được ngành giao thông TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng hoàn thiện. Ảnh: Phạm Thọ

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, thành phố đang triển khai 34 dự án giao thông trọng điểm. Các công trình này gắn với mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Trong các dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh có 5 dự án: Vành đai 3, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50, tổng nguồn vốn hơn 54.000 tỷ đồng, được chính quyền TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành giai đoạn 2024- 2025.

Năm 2023, TP Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 70.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022. Phần lớn nguồn vốn này đều tập trung vào các công trình giao thông trọng điểm. Do đó, việc đẩy nhanh thủ tục, triển khai các dự án đúng tiến độ giúp thành phố đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% nguồn vốn được giao. Hiện, ngành giao thông thành phố đang tập trung các khâu chuẩn bị, tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh khởi công các gói thầu chính dự án metro số 2, triển khai các dự án cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ theo hình thức đối tác công tư (PPP)... trong năm 2024.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm. Thành phố đã lập 13 tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo thành phố giữ vai trò tổ trưởng, trực tiếp theo dõi, giám sát các công trình trọng điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ giám sát dự án xây dựng đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh-metro 1 Bến Thành-Suối Tiên; dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh 10.000 tỷ đồng và dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên.

Các tổ công tác theo dõi, đốc thúc các đơn vị, nhà thầu, địa phương thực hiện các công trình, dự án, nắm bắt những vướng mắc để tháo gỡ, xử lý kịp thời, bảo đảm tiến độ dự án. Các đồng chí lãnh đạo thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trạng thực tế tại các công trình, dự án được phân công, kiến nghị xử lý nhanh các vướng mắc, có các phương án xử lý không để ảnh hưởng chậm tiến độ các dự án.

KIM ĐỒNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.