Hạ tầng số Việt Nam bắt đầu phát triển

Theo GS, TS Hồ Tú Bảo, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), để xây dựng HTS cần 6 thành phần: Thiết bị, kết nối, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực. Trong đó, hạ tầng thiết bị là máy móc điện tử; hạ tầng dữ liệu là cơ sở dữ liệu (CSDL), công nghệ, quy trình, cách vận hành CSDL; hạ tầng ứng dụng có thể hiểu là công cụ để khai thác dữ liệu đã có, một phần của công nghệ trí tuệ nhân tạo, của Big Data (dữ liệu lớn)...

Những năm qua, thị trường công nghệ thông tin (CNTT) đã có sự chuyển đổi rõ ràng từ hạ tầng công nghệ truyền thống là mua máy vi tính, mua máy chủ, cài thiết bị internet sang mô hình điện toán đám mây (mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy vi tính và phát triển dựa vào internet) và công nghệ blockchain (công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp). Song song với đó, các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp CNTT trên cả nước hiện đã đủ năng lực xây dựng HTS hướng đến Chính phủ điện tử. Tính đến nay, hạ tầng của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trải rộng khắp cả nước với 67.000 trạm 3G và 4G, phủ tới 95% dân số, công nghệ cáp quang phủ rộng tới từng xã, từng gia đình... Ông Phùng Văn Cường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) khẳng định: “HTS mà Viettel đang sở hữu và xây dựng sẽ góp phần bảo đảm cho sự thành công của chính phủ số”. Ngoài Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng tập trung xây dựng các nền tảng CNTT như IoT platform, Big data platform, Cloud platform và các giải pháp CNTT chuyên ngành về y tế, giáo dục, an ninh, an toàn giao thông... 

Nhân viên của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội lắp đặt đường cáp viễn thông tại xã Ia Yok, huyện la Grai, tỉnh Gia Lai.

Đối với xây dựng hạ tầng CSDL, năm 2015, Chính phủ đã tiến hành xây dựng 6 hệ thống CSDL quốc gia, trong đó có CSDL quốc gia về dân cư, thống kê tổng hợp về dân số, đất đai, tài chính, bảo hiểm và đăng ký kinh doanh. Nhìn chung, từng bộ, ngành, địa phương đã và đang sở hữu những kho dữ liệu không nhỏ, tuy nhiên, vẫn chưa thể kết hợp các CSDL này lại với nhau thành một CSDL dùng chung nên không thể tận dụng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. 

Tăng cường liên kết cơ sở dữ liệu

Thực tế, hạ tầng thiết bị và kết nối của Việt Nam hiện nay không thua kém nhóm các nước có cơ hội chuyển giao sang nền kinh tế-xã hội số. Vấn đề được đặt ra là làm sao để có một quy hoạch dài hạn về CSDL bảo đảm tính tương thích và kết nối dữ liệu, tạo điều kiện cho nhiều chủ thể tiếp cận được kho dữ liệu tập trung của bộ, ngành, đơn vị công và kho dữ liệu khác trong quá trình quản lý nhà nước. Để làm được điều đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm tạo được một khung pháp lý về chia sẻ CSDL, một bộ tiêu chuẩn chung để các địa phương từ đó làm theo, tránh việc chờ đợi lẫn nhau hoặc không biết phải làm thế nào.

Ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) nêu ý kiến, Bộ Tư pháp đã rà soát và nhận thấy hầu hết các quy định về quản lý CSDL của Việt Nam hiện nay đều chịu sự điều chỉnh của các nghị định của Chính phủ. Ông Cương đề xuất, Chính phủ nên có chỉ đạo để hoàn thiện pháp lý ở tầm nghị định trước, không nhất thiết phải xây dựng một luật riêng về CSDL gây mất thời gian, mất cơ hội phát triển của đất nước hiện nay.

Bên cạnh đó, đầu tư nguồn nhân lực có chất lượng về CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm thành công quá trình chuyển đổi số. Chia sẻ về vấn đề này, ông Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin-Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, bắt đầu từ năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế đặc thù về đào tạo nhân lực ngành CNTT. Cơ chế này tháo gỡ 3 điểm chốt. Thứ nhất là về chính sách cho phép các trường tuyển sinh mà không có hạn mức và chỉ tiêu đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo căn cứ vào tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, căn cứ vào đánh giá của doanh nghiệp. Thứ hai là thay đổi tiêu chí về giảng viên để thu hút được sự tham gia của các chuyên gia và doanh nghiệp CNTT trong quá trình đào tạo. Cuối cùng là việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Trong đó, cho phép sử dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp, thực hành ngay tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong điều kiện mọi thiết bị đều được số hóa, kết nối internet sẽ khó tránh khỏi các cuộc tấn công an ninh mạng một cách tinh vi. Do đó, xây dựng HTS phải chú trọng tăng cường an ninh mạng, mỗi đơn vị, tổ chức nên thành lập trung tâm điều hành an ninh mạng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý sớm sự cố xảy ra. 

 Bài và ảnh: TRÀ MY