QĐND - 2 tháng đầu năm đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, tạo thêm niềm tin phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như vậy tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2015.
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Tại phiên họp tổ chức ngày 2-3, các thành viên Chính phủ thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các mặt của tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục có những dấu hiệu khả quan. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2015 giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 0,25% so với tháng 12-2014, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước, bình quân hai tháng đầu năm tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung hai tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 151,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi ngân sách ước đạt 172,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung hai tháng đầu năm tăng 12% trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 5,4%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước tăng 3,7% so với tháng trước, tính chung hai tháng đầu năm ước tăng gần 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm ước đạt gần 23,01 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 23,07 tỷ USD, tăng 16,3%; nhập siêu khoảng 61 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hai tháng đầu năm ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2014. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, bảo đảm an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác đều đạt được những kết quả tốt.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá: “Đây là những tín hiệu tích cực để chúng ta có thêm cơ sở phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”. Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần phân tích làm rõ một số vấn đề nổi lên như tình hình, nguyên nhân và bản chất số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn; tình hình thu ngân sách từ dầu khí giảm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến nhưng so với yêu cầu còn chậm; số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập…
Để đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu sớm giảm tiếp lãi suất cho vay để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; tập trung và cương quyết đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức tiếp tay cho buôn lậu; tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém.
Mua ngân hàng với giá… 0 đồng
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán để lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững tiếp tục trở thành đề tài được báo giới quan tâm trong cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 kết thúc, với sự điều hành của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thực hiện mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC) với giá 0 đồng khi ngân hàng này có vốn điều lệ âm so với vốn pháp định. “Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo một ngân hàng thương mại tham gia mua cổ phần là một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện trong quá trình tái cơ cấu (hệ thống ngân hàng-PV). Trong giai đoạn đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, đó là các mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống”-Phó thống đốc nói như vậy và khẳng định, thời gian tới, ngân hàng nào tiếp tục có vốn điều lệ âm nhiều so với vốn pháp định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng một trong những giải pháp nêu trên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay, sau hai năm thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán, số lượng công ty chứng khoán đã giảm từ hơn 100 xuống còn khoảng 80, năng lực tài chính và quản trị của các công ty chứng khoán cũng đã được nâng lên. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi đến thăm và đánh cồng mở phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Ất Mùi 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu thị trường chứng khoán với nhiều nội dung quan trọng. Đó là tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường, gắn với đó là tái cơ cấu hệ thống giao dịch, bao gồm hệ thống giao dịch cổ phiếu, giao dịch trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh; tái cơ cấu các sở giao dịch chứng khoán theo hướng hợp nhất Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, hình thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, sắp xếp lại hệ thống giao dịch của thị trường, tăng cường công tác quản trị, công khai minh bạch; tái cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán theo hướng phát triển nhà đầu tư có tổ chức như quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, tạo nền tảng cho hoạt động của thị trường.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2015 là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ trong Xuân mới Ất Mùi 2015. Những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế được cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, trực tiếp thực hiện việc quản lý, điều hành kinh tế-xã hội bàn thảo, nhận định cho thấy, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ có một năm mới “thuận lợi nhiều hơn khó khăn” chờ đợi trước mắt. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để Việt Nam thực hiện thành công kế hoạch năm cuối cùng trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, tạo động lực tốt hơn để triển khai kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Tạo chuyển biến thật sự về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2015 phải là năm tạo ra bước chuyển biến thực sự và mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015, các bộ, ngành phải đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể để đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng,… đi cùng với đó là phải kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
|
CHIẾN THẮNG