Kiểm tra, rà soát chặt chẽ phương án đề xuất về giá điện

Liên quan đến tiến độ đánh giá tác động và phương án điều chỉnh giá điện năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. Do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên Quyết định 24 cũng quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

leftcenterrightdel
 Công tác bảo đảm cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).. Ảnh: MINH ĐỨC

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Naam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện, từ đó, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở phương án đề xuất của EVN, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc xử lý khoản lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng của EVN, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để bảo đảm cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện. Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023

Trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2023 khi kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, sụt giảm của nhu cầu thế giới là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố tích cực như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục được thực thi; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực... Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu hàng hóa, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so với năm 2022.

 Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính thông tin về tiến độ xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, đối với dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đã thực hiện xong quy trình đánh giá tác động, xin ý kiến các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia và thẩm định của Bộ Tư pháp, dự kiến trình Chính phủ trong đầu tháng 2-2023. Đối với dự thảo nghị định của Chính phủ về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, đại diện Bộ Nội vụ, cơ quan được giao chủ trì xây dựng nghị định, cho biết, dự thảo nghị định sẽ tập trung vào một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, quy trình, điều kiện, hình thức về khuyến khích, bảo vệ cán bộ... Bộ Nội vụ phấn đấu trình dự thảo nghị định trong quý II-2023.

Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Công an đã làm rõ, cung cấp thông tin về một số vụ án trọng điểm đang điều tra, trong đó có vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và một số trung tâm đăng kiểm. Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đánh giá, đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm, tiêu cực có hệ thống, được tổ chức từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến giám đốc một số trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, khi cơ quan công an tiến hành khám xét một số trung tâm đăng kiểm, có ý kiến cho rằng làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm, nhưng thực tế không phải như vậy. Từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan công an không ra quyết định nào, văn bản tố tụng nào về việc dừng hay tạm dừng hoạt động của các trung tâm đăng kiểm. Cơ quan công an chỉ thu giữ vật chứng, tài liệu của đối tượng phạm tội. Qua vụ việc này, Bộ Công an đề nghị Bộ Giao thông vận tải thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và mong muốn dư luận xã hội tiếp tục ủng hộ quá trình làm trong sạch công tác này.

MẠNH HƯNG