Ngày 3-1, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12, phóng viên đã đặt câu hỏi: Mới đây, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng, Bộ Công Thương cho biết quan điểm về vấn đề này? Bộ Công Thương cũng cho biết dự kiến về lộ trình cũng như thời điểm tăng giá điện?

Tính phương án điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ ngắn hơn

Trả lời phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay giá xăng đang được điều chỉnh theo Nghị định số 95/2021/NQ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày; vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng).

Theo ý kiến của người tiêu dùng, doanh nghiệp, các chuyên gia và lãnh đạo các cấp, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83; trong đó có tính đến phương án điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ ngắn hơn (dưới 10 ngày) và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ đã có quy định về cơ chế chỉnh giá điện trong năm. Theo đó, hằng quý, EVN phải cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân.

leftcenterrightdel

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời về việc tăng giá điện. 

"Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi, làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế bảo đảm giá điện theo sát với giá đầu vào, bảo đảm phản ánh biến động giá trên thị trường vào giá bán lẻ điện bình quân", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Khi nào tăng giá điện? 

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, giá điện có đặc trưng là khác với giá xăng dầu, chi phí sản xuất kinh doanh điện phụ thuộc cao vào các mùa trong năm (mùa mưa và mùa khô).

Vào giai đoạn mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy thủy điện (có chi phí phát điện thấp) được huy động điều độ phát nhiều, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện thấp hơn so với trong mùa khô khi phải huy động nhiều hơn các nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do nhà máy thủy điện không có đủ lượng nước để phát nhiều, bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu của người dân.

Do đó, tại Quyết định 24 đã quy định rất rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất, để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí nêu trên.

"Lần cuối cùng điều chỉnh giá bán điện gần đây nhất là vào tháng 20-3-2019, nếu đến tháng 3-2023 thì 4 năm chưa điều chỉnh giá điện", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Ngoài ra, do giá điện tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân nên việc điều hành giá điện cần tính toán rất kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các tác động. Quyết định 24 quy định rất rõ là phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện. 

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường trong thời điểm hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động ở mức thấp nhất đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân khi điều chỉnh.

MINH AN