QĐND - 39 năm, từ một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thành phố “công nghiệp quân sự” với bom, đạn đau thương và đầy rẫy tệ nạn xã hội, trải qua bao vất vả, gian lao, bao lo toan, trăn trở, bao đấu tranh căng thẳng giữa tư duy cũ-mới, Đà Nẵng giờ đây đã trở thành "thành phố đáng sống", là điểm đến cho các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế.

Nhưng hiện nay thành phố miền Trung này gặp không ít thách thức.

Kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng (29-3-1975/29-3-2014), Đà Nẵng đón nhận nhiều tin vui: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm thành phố (ngày 18-3) và kết luận: Đà Nẵng phát triển nhanh, toàn diện, được cả nước thừa nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao; ngày 20-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Đà Nẵng đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) năm 2013…

Một góc thành phố Đà Nẵng.

 

Cuối năm 2013, Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam được quốc tế lựa chọn nằm trong tốp 100 thành phố thế giới có “khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” do quỹ Rockefeller tài trợ.

Và trước đó nữa, thành phố miền Trung này đã trở thành một trong những “thành phố đáng sống” của thế giới.

39 năm, từ một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ-chính quyền Sài Gòn, thành phố “công nghiệp quân sự” với bom, đạn đau thương và đầy rẫy tệ nạn xã hội, trải qua bao vất vả, gian lao, bao lo toan, trăn trở, bao đấu tranh căng thẳng giữa tư duy cũ-mới, mạnh mẽ dám làm dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, những người lãnh đạo nơi đây đã cùng nhân dân thay đổi cơ bản bộ mặt thành phố, biến Đà Nẵng xô bồ xưa kia thành thành phố hiền hòa, thanh bình, đường phố thông thoáng sạch đẹp, trật tự an ninh tốt, kinh tế tương đối phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 56,3 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần mức bình quân cả nước. Đà Nẵng là điểm đến cho các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế.

Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Đà Nẵng là không thể phủ nhận.

Nhưng Đà Nẵng đang gặp phải những thách thức gì, hay nói một cách thẳng thắn, thành phố còn có gì hạn chế?

Theo báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 18-3-2014, cơ cấu kinh tế của thành phố đang chuyển dịch với tỷ trọng dịch vụ 55,4%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 2,4%. Cơ cấu này đưa thành phố tăng nhanh GDP, nhưng mặt khác nó có thể hạn chế đến việc sử dụng nhân tài, một trong những tiềm năng lớn nhất của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Xứ Quảng xưa nay là một trong những vùng “đất học” của cả nước, tỷ lệ sinh viên đỗ đại học cao, các nhà khoa học nhiều. Nhưng khi dịch chuyển mạnh mẽ từ công nghiệp là chủ đạo sang dịch vụ-du lịch, thì “đất diễn” của họ cũng ít đi, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học và trên đại học được đào tạo cơ bản phải lập nghiệp ở nơi khác cũng là lẽ đương nhiên.

Đà Nẵng, cũng như cả nước ta, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Khi sự phát triển gắn liền với tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân thì thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, môi trường, năng lượng và thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là thách thức không nhỏ làm ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, điều kiện sống của người dân và sự phát triển bền vững.

Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách. Ảnh: QUANG CƯỜNG

 

Sự đô thị hóa quá nhanh, chưa tính đến yếu tố bền vững mà bài học năm 2013 vẫn còn thời sự đối với những người quy hoạch thành phố này. Cơn bão Na-ry (cơn bão số 11) ngày 15-10 với gió mới cấp 10-12 đã gây cảnh đổ nát nhiều nơi, làm thiệt hại gần 2000 tỷ đồng, xấp xỉ 2/10 tổng thu ngân sách của địa phương. Khi đối mặt với thiên tai thì những yếu kém trong quy hoạch kiến trúc xây dựng của Đà Nẵng bộc lộ. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hơn 10.000 cây xanh ở Đà Nẵng gãy đổ hoàn toàn, hậu quả của việc nóng vội muốn thành phố nhanh chóng “xanh, sạch, đẹp” nên trồng cây quá lớn, bén rễ chưa sâu đã bị bão quật đổ. May mà bão số 14 ( bão Hải Yến), cơn bão đã tàn phá Phi-líp-pin không đổ bộ vào Đà Nẵng, nếu không thành phố “đầu biển, cuối sông” này còn bị hoang tàn hơn nữa trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Việc đua nhau xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa cả mặt tiền duyên hải, hàn kín các cửa biển, khi mưa lũ cực đoan cộng với thủy điện xả lũ, trút nước xuống thì không chỉ dân cư hạ du ven sông mà một số địa bàn trong thành phố cũng bị ngập sâu trong lũ. Với lại, sự đô thị hóa chóng mặt làm mất đất sản xuất, mất việc làm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu xây dựng thành phố 5 không: Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có lang thang ăn xin, không có người nghiện ma túy và không có giết người cướp của; và 3 có: Có nhà ở, có việc làm và có lối sống văn minh đô thị.

Nhận ra những điểm yếu, khiếm khuyết đó, Đà Nẵng đang chủ động đưa ra hàng loạt biện pháp khắc phục và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc: “Thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị; chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép, quy hoạch treo, nhất là tại các khu đô thị, khu dân cư; có biện pháp giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân tại các vùng có dự án treo hoặc chậm triển khai, bồi thường hoặc hỗ trợ cho các trường hợp đất nông nghiệp không khai thác được do triển khai các dự án… Giải quyết các điểm nóng về môi trường tại các khu công nghiệp, các bãi biển, hồ chứa nước, kênh mương, các điểm dân cư ngập úng”... (Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 của UBND TP Đà Nẵng).

HỒNG SƠN