Diện mạo nông thôn đang đổi thay từng ngày, giao thông đi lại dễ dàng, điện lưới quốc gia về đến từng nhà dân. Đó là kết quả từ cách làm linh hoạt, sáng tạo trong công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của chính bà con dân tộc Khmer trong lao động, sản xuất.
Cuộc sống ấm no, quê hương khởi sắc
Có dịp trở lại thăm xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được nghe đồng bào Khmer nơi đây kể những câu chuyện thoát nghèo và tận mắt chứng kiến những căn nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi. Gặp chúng tôi khi đang tất bật chăm sóc các luống hẹ lá, ớt chuẩn bị bán, anh Trầm Út cho biết: “Cuộc sống trước đây vốn khó khăn, nhưng khi được chính quyền địa phương xây dựng cho căn nhà và hỗ trợ bò để nuôi, gia đình tôi đã có điều kiện vươn lên. Địa phương cũng cử cán bộ xuống nhà tận tình hướng dẫn cách chăm sóc bò và hoa màu nên bò sinh trưởng tốt, số lượng ngày càng tăng. Giờ thì chúng tôi đã thoát nghèo hoàn toàn, cuộc sống khá giả, con cái có điều kiện học hành đầy đủ”.
 |
Bà con Khmer tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.
|
Không riêng Sóc Trăng mà phần lớn diện mạo phum, sóc ở các vùng quê có đông đồng bào Khmer sinh sống, như: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang… đều khởi sắc. Nếu trước đây, huyện Trà Cú (nơi có 62% đồng bào Khmer sinh sống và nghèo nhất tỉnh Trà Vinh) "nổi danh" bởi thôn, xóm nghèo nàn, xa xôi, cách trở, điều kiện đi lại khó khăn thì nay bức tranh quê hương có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Hầu hết tuyến đường từ huyện về xã, từ xã tới ấp đều được bê tông hóa; dọc bên đường, những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp mọc lên san sát. Giờ đây, khi nhắc đến huyện Trà Cú, nhiều người gọi vui đây là “quê của những triệu phú người Khmer”. Điển hình như ông Cô Phanh ở ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân (Trà Cú, Trà Vinh), từ một nông dân không có đất sản xuất, nhờ địa phương hỗ trợ vốn chăn nuôi bò, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cộng thêm tính cần cù, chịu khó, đến nay ông Phanh đã có nhà cửa khang trang, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Ông Phanh chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, địa phương đã hỗ trợ gia đình tôi hai con bò để nuôi. Sau khi bán lứa bò đầu tiên, từ số tiền có được cộng thêm vốn vay ưu đãi của địa phương, gia đình thuê đất để trồng lúa cao sản kết hợp hoa màu, nuôi bò thịt và bò sữa. Qua 3 năm thì trả hết nợ. Giờ thì gia đình tôi đã có 5 công đất trồng lúa cao sản, đàn bò hơn chục con. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng”.
Thoát nghèo nhờ nhiều cách làm hay
Để giúp bà con Khmer thoát nghèo bền vững, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Trong đó phải kể đến Phong trào “Phát huy nguồn lực, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” của hội liên hiệp phụ nữ; hội cựu chiến binh có Phong trào “Cần, kiệm thoát nghèo, nâng cao mức sống”, huy động nguồn lực, hỗ trợ hộ nghèo về giống, vốn, ngày công; thành lập quỹ đồng đội giúp nhau không lãi suất...
Theo ông Kiên Banh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh: Trà Vinh có hơn 31% dân số là đồng bào Khmer. Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và một ít đất vườn trồng dừa, cuộc sống còn chật vật, chưa thể thoát nghèo. “Với phương châm "không để người nghèo, cận nghèo đứng ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp thu nhập cao”, tỉnh chủ trương thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để bà con trợ giúp nhau cùng phát triển. Đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hằng năm đều giảm đáng kể”, ông Banh cho biết.
Đánh thức tiềm năng của địa phương và khai thác hiệu quả các nguồn lực là cách mà tỉnh An Giang thực hiện để giúp bà con Khmer giảm nghèo bền vững, trong đó, những ngành nghề truyền thống của bà con Khmer, như: Ðan đệm bàng (Ba Chúc, Châu Lăng...), sản xuất đường thốt nốt (Vĩnh Trung, An Cư...), dệt thổ cẩm (Văn Giáo)... có từ lâu đời, sản phẩm đẹp, chất lượng khá tốt. Ðây là nghề có ý nghĩa vừa phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương, vừa thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài.
Để bà con phát triển ngành nghề, tỉnh An Giang đã hình thành các hợp tác xã với bộ khung hoàn chỉnh, quy hoạch vùng nguyên liệu để đáp ứng đầu vào và hỗ trợ bà con trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm… Cùng với đó, đồng bào Khmer tỉnh An Giang còn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, như: Xây dựng nhà ở, dạy nghề, học nghề ngắn hạn cho thanh niên dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ tiền ăn học nghề ngắn hạn, hỗ trợ vay vốn thoát nghèo; hình thành một số mô hình, như: Nuôi bò, nuôi cá trong vèo, trồng nấm bào ngư, nấm rơm, buôn bán nhỏ... giúp bà con cải thiện cuộc sống. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin: “Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tại An Giang giảm đều qua từng năm. Đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm 3,79%/năm”.
Ngoài chính sách hỗ trợ, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL còn thực hiện mô hình mỗi cán bộ, đảng viên đỡ đầu 1-2 hộ nghèo; đối thoại cùng hộ nghèo; nhân rộng các điển hình là người dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào để tuyên truyền, vận động, giúp bà con tự giác vươn lên thoát nghèo… “Những năm qua, với nhiều chương trình, dự án tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL. Đời sống bà con Khmer đã khá lên, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng ĐBSCL giảm nhanh. Trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL là 6,08%, giảm 1,89% so với năm 2017, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm bình quân 3-4%/năm. Phần lớn các hộ thoát nghèo không có tình trạng tái nghèo”, bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc, khẳng định.
Bài, ảnh: THÚY AN