Bà MAI THỊ THÙY, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội:

Phải coi doanh nghiệp như người bạn

Nghị quyết số 35/NQ-CP ban hành đáp ứng được sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp vào quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, lấy doanh nghiệp làm tâm điểm, chính sách của Nhà nước là đòn bẩy. Qua đó thể hiện tính đồng bộ, nhất quán trong chính sách vĩ mô khi bao gồm nhiều giải pháp có sự tham gia, vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải chờ xem các cam kết của Chính phủ được các cơ quan hữu quan triển khai trong thực tế như thế nào. Đó mới là điều quan tâm nhất của cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết bao hàm nhiều nội dung, nên đòi hỏi tổ chức thực hiện cần có sự điều phối linh hoạt để tránh chồng chéo, hô hào. Quan trọng nhất là việc thực thi của các cơ quan quản lý Nhà nước phải hết sức nghiêm túc, coi doanh nghiệp như người bạn, như đối tác trong công việc; không nên hướng dẫn thiếu cụ thể rồi tìm lý do sách nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nói cách khác, người thực thi phải có cái tâm, cái tầm, nếu không sẽ khó sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi từ phía các cấp chính quyền, để mọi doanh nghiệp bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh, có như vậy mới phát triển bền vững và hoạt động kinh doanh lâu dài.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: TTXVN.

Ông VŨ VĂN ĐƯỜNG, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May và Thương mại quốc tế INDICO:

Đừng để nghị quyết nằm trên giấy

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, doanh nghiệp chúng tôi đang gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý. Đây thực sự là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển… Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi mong các nghị quyết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là trên giấy mà sẽ đi vào thực tế cuộc sống, nhanh chóng phát huy hiệu quả tích cực. Điều doanh nghiệp lo ngại nhất là sự thay đổi liên tục về chính sách.

Mặt khác, để khơi dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ trong việc giảm lãi suất, để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp. Có như vậy, chính sách này mới phát huy hiệu quả, đáp ứng mong đợi của các doanh nghiệp.

Bà NGUYỄN THỊ HẰNG, Giám đốc Công ty Cổ phần In và Truyền thông Đông Á Hà Nội:

Nâng cao tính nghiêm túc trong thực thi

Nghị quyết số 35/NQ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16-5-2016 nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp khoảng 48-49% GDP/năm. Đây thực sự là động lực cũng như giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Nhưng để đạt được kết quả này, các doanh nghiệp cần sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của Chính phủ. Nghị quyết số 35/NQ-CP xác định nội dung trọng tâm là công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách và đưa ra các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng thực tế các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng… Đã thế, ở một số địa phương, các thủ tục hành chính, pháp lý còn rườm rà, chồng chéo. Về lãi suất ngân hàng tương đối phù hợp, nhưng tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đóng đến 32,5% là quá cao so với khu vực. Nghị quyết số 35/NQ-CP cũng nói rõ các tỉnh phải quyết định một năm thanh tra một lần và chỉ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, nhưng thực tế hiện nay lại chưa làm được. Do vậy, cần giảm bớt những đoàn thanh tra, kiểm tra, các thủ tục hành chính, chứng từ hóa đơn, kiểm toán, các mẫu biểu của cơ quan thuế... là đã giảm rất nhiều chi phí cũng như thời gian, công sức cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chúng tôi hy vọng, Nghị quyết số 35/NQ-CP sẽ là luồng gió mới, tháo gỡ mọi vướng mắc, giúp đỡ, hỗ trợ để doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Bà PHẠM THU HÀ, Giám đốc Ngân hàng Sacombank Chi nhánh 8/3:

Cùng vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ

Nghị quyết đã nêu được rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho doanh nghiệp, Nhà nước lấy doanh nghiệp là đối tượng trung tâm để các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải vào cuộc để phối kết hợp với nhau tháo gỡ cho doanh nghiệp. Theo tôi, trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, việc bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp là nhóm giải pháp quan trọng và cần quan tâm nhất. Nếu nhóm giải pháp này thực hiện được thì nó sẽ là động lực, tiền đề cho các nhóm giải pháp khác phát huy hiệu quả. Do vậy, cần có tiếng nói của các hiệp hội doanh nghiệp để làm đầu mối kiến nghị của doanh nghiệp đối với những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ ngay và các đề xuất tháo gỡ phải có lộ trình.

Thiết nghĩ, lộ trình thực hiện nghị quyết đến năm 2020, trong khi chúng ta đang đi gần hết năm 2016. Đây là khoảng thời gian rất ngắn để triển khai các hành động đi vào thực tiễn, nên cần có sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ cũng như sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Nhà nước, Quốc hội.

ANH THƯ - LÊ HIỀN (ghi)