QĐND - Công ty 74 (Binh đoàn 15) đứng chân trên vùng biên giới thuộc tỉnh Gia Lai, địa bàn chủ yếu là núi cao, sông suối, các bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi căn cứ địa cách mạng. Với bản lĩnh và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, 40 năm qua, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty 74 đã từng bước làm "thay da đổi thịt", tạo nên vành đai xanh dọc biên giới, đem lại cuộc sống ổn định, no ấm cho hàng chục nghìn người dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số...
Ngày 8-3-1975, tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc), Công ty 74 được thành lập và cấp tốc hành quân vào Tây Nguyên, tiếp quản vùng giải phóng, xây dựng khu căn cứ hậu cần chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngay từ khi thành lập, tập thể chỉ huy lãnh đạo Công ty 74 đã nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ vùng biên giới trong tình hình mới. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, để tăng năng suất, hiệu quả lao động. Từ một miền đất hoang vu, dân cư thưa thớt, thiếu đói, tình hình an ninh, chính trị có nhiều bất ổn, cùng với cấp ủy chính quyền địa phương và các đơn vị bạn, Công ty 74 đã tiếp sức từng bước góp phần đưa vùng biên giới Gia Lai phát triển, ổn định, trở thành một trong những đơn vị điển hình về phát triển sản xuất và phong trào giúp đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
 |
Cán bộ Công ty 74 trao đổi với bà con dân tộc thiểu số về kinh nghiệm trồng, chăm sóc cao su.
|
Để thực hiện tốt nhiệm vụ “xanh hóa vùng biên giới”, tạo động lực giúp bà con thoát nghèo, Công ty 74 đã chú trọng xây dựng, phát triển toàn diện từng địa bàn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm. Khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tiềm lực sẵn có, từng bước chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với các loại cây công nghiệp, cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê...; gắn chăn nuôi với trồng trọt và bảo vệ rừng. Cùng với việc mở rộng sản xuất, công ty tổ chức rà soát lại định mức lao động sát thực tế, tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống trả lương theo kết quả làm việc của người lao động, bố trí lại vườn cây mang tính hiệu quả.
Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” Đảng ủy-Ban giám đốc Công ty 74 đã chủ động cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động, triển khai các dự án về kinh tế, xã hội để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân địa phương có hiệu quả. Đến nay, công ty đã trồng, khai thác gần 7000ha cao su, 12,45ha cà phê, 1 nhà máy chế biến mủ cao su, 1 nhà máy thủy điện nhỏ… thu hút 3.500 lao động, trong đó có 1.500 lao động người dân tộc thiểu số với tiền lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Ngoài cho dân mượn 600 ha đất tái canh cao su để trồng lúa nương, bắp, đậu, Công ty 74 đã đầu tư xây dựng 350km đường liên thôn, liên xã; 600km đường điện các loại; xây 2 trường học phổ thông cơ sở; 6 cụm điểm dân cư, 16 điểm trường có 100 giáo viên, 1 bệnh xá có 20 giường bệnh…; đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng và đưa vào sinh hoạt có hiệu quả Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; hỗ trợ gạo cho bà con mùa giáp hạt; khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát động quyên góp ủng hộ Quỹ “Trái tim cho em", “Ngày vì người nghèo”, thăm tặng sách vở, tặng sổ tiết kiệm cho các học sinh nghèo vượt khó, các cháu bị bệnh hiểm nghèo... Công ty còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn với phương châm “ly nông, không ly hương” gắn liền với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn vùng biên giới nơi đơn vị đứng chân, mà trước hết là thực hiện dự án đàn bò 1000 con và nhà máy sản xuất phân tổng hợp, bảo đảm nhu cầu phân bón cho diện tích vườn cây của công ty và của người lao động. Chính điều này đã làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; củng cố thêm lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền địa phương.
Hiện nay, Công ty 74 đang đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, tích cực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức một số lễ hội truyền thống như: Bỏ mả, đâm trâu, mừng lúa mới... góp phần phục hồi, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với công ty. Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “gắn kết hộ”, đến nay đã có gần 1000 cặp hộ người Kinh và người dân tộc thiểu số gắn kết, họ thực sự coi nhau như anh em ruột thịt, giúp nhau sản xuất, nuôi dạy con cái, rũ bỏ tập tục lạc hậu, cùng hòa nhập trong môi trường văn hóa mới… Cuộc sống vật chất, tinh thần trong những gia đình gắn kết đã có những biến chuyển rất tích cực, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là những giá trị văn hóa cơ bản, đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Mối quan hệ máu thịt quân-dân ngày càng củng cố, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Với những thành tích đạt được, đến nay Công ty 74 và đồng chí Trần Quang Hùng, nguyên Giám đốc Công ty đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống, công ty vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, UBND tỉnh Gia Lai tặng Cờ thi đua đơn vị 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là nguồn lực sức mạnh, động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động của công ty phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Bài, ảnh: HOÀNG VĂN SỸ (Giám đốc Công ty 74)