QĐND - Hiện nay, bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân được xác định là do giết mổ lợn nhiễm bệnh và ăn các chế phẩm từ lợn bị bệnh. Từ đầu năm 2015 đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 7 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn và đã có một trường hợp tử vong. Phần lớn những bệnh nhân nhập viện đều có nguyên nhân từ ăn tiết canh lợn. Qua trao đổi, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, không chỉ lợn bị bệnh mà ngay trong lợn lành cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng. Vì vậy, khi ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì dù là thịt lợn lành vẫn có thể bị bệnh. Người bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn sẽ có các triệu chứng: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, rối loạn tri giác, xuất huyết... Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời thì chỉ sau 2 giờ sẽ chuyển qua giai đoạn nặng với các triệu chứng như: Trụy mạch, suy đa tạng, nhiễm trùng máu... và nguy cơ tử vong rất cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, mặc dù Bộ Y tế khuyến cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm khi ăn tiết canh lợn không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều người vẫn không quan tâm. Thậm chí, có người còn cho rằng khi ăn tiết canh chỉ cần uống rượu là an toàn, bởi vì rượu có khả năng... tiệt trùng! Quan điểm này là hết sức sai lầm. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần bảo đảm vệ sinh và đeo găng tay, tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh; không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh. Nếu thấy có các dấu hiệu như: Sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn ý thức, mê sảng, có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thực phẩm chưa nấu kỹ, thực phẩm tái (nem chua, nem chạo, tiết canh...) thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng.

NGUYỄN LIÊN