QĐND Online – Chiều 28-5, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại hội trường. Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy Ban thường vụ Quốc hội được các đại biểu đánh giá cao. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận vẫn còn nhiều nội dung có ý kiến trái ngược nhau…

Điều 4 dự thảo quy định nguyên tắc hành nghề công chứng là một trong những điều được nhiều đại biểu đề cập đến trong phiên thảo luận tại hội trường. Về quy định này, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội, phải đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu. Đồng thời, đây là loại hình dịch vụ do Nhà nước ủy quyền, Nhà nước cũng đặt ra giới hạn về số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn nhất định, do đó tính cạnh tranh trong hoạt động này đã bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không thể sử dụng các lợi thế này để phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như cách hình thức kinh doanh, dịch vụ thông thường.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chính là người được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền lực công, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp trong các hợp đồng, giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp đây là nghĩa vụ bắt buộc do pháp luật quy định. Vì vậy, hoạt động công chứng chủ yếu phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân. Trên cơ sở đó, Luật mới có thể quy định tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan nhà nước như giới hạn về địa bàn hoạt động, về hình thức tổ chức hoạt động và chỉ được thu phí công chứng theo quy định của Nhà nước. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” trong hoạt động công chứng như thể hiện tại Điều 4 của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu băn khoăn về quy định này. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng: Văn phòng công chứng hoạt động tương tự như một doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước, nên dù cung cấp dịch vụ công thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. Mặt khác, quy định nguyên tắc hành nghề công chứng là không vì mục đích lợi nhuận sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi phòng công chứng hay chuyển nhượng văn phòng công chứng. Bởi nếu không có lợi nhuận thì bên nhận chuyển nhượng hoặc chuyển đổi tổ chức hành nghề công chứng sẽ bù đắp lại khoản tiền đã bỏ ra cho việc nhận chuyển đổi, chuyển nhượng văn phòng công chứng bằng cách nào.

Về đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10) trong phiên thảo luận cũng có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng như quy định trong dự thảo Luật, song cần quy định những người được miễn đào tạo vẫn phải qua một khóa bồi dưỡng kiến thức về nghề công chứng và thực hiện tập sự hành nghề như đề nghị trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Ý kiến khác đề nghị các đối tượng này không cần tham gia tập sự hành nghề vì đã có nhiều kinh nghiệm và thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật. Loại ý kiến này đề nghị xem xét thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, cụ thể là không quy định điều tra viên thuộc diện được miễn đào tạo nghề công chứng như trong dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm. Mặt khác, có thể mở rộng diện được miễn đào tạo nghề công chứng cho những cán bộ tư pháp đã có thời gian trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động công chứng như giám đốc, phó giám đốc sở tư pháp, trưởng phòng bổ trợ tư pháp, chánh thanh tra sở tư pháp....

Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi như dự thảo Luật đã trình Quốc hội do đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao; công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm để thay mặt Nhà nước cung cấp dịch vụ công. Do vậy, những người này chỉ nên hành nghề công chứng đến một độ tuổi nhất định để bảo đảm yêu cầu về tính chính xác cao của công việc và về tiêu chuẩn hành nghề, nhất là tiêu chuẩn về sức khỏe.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật này tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này. Hơn nữa, đội ngũ công chứng viên bao gồm cả viên chức tại các Phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động với các Văn phòng công chứng và công chứng viên tự tổ chức hành nghề bằng hình thức thành lập Văn phòng công chứng. Do đó, việc hành nghề của từng đối tượng nêu trên sẽ tuân theo quy định tương ứng của pháp luật về lao động, về viên chức và các văn bản khác có liên quan.

XUÂN DŨNG