QĐND - Mặc dù Nghệ An còn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ bằng 70% của cả nước, song bằng các hoạt động xúc tiến đầu tư, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh đã có những khởi sắc đáng ghi nhận; kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP...

Đầu tư ngày càng nhiều

Tháng 7-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghị quyết với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: Tốc độ phát triển kinh tế năm 2014 đạt 7,24%, cao hơn tốc độ tăng trưởng hai năm gần đây; thu ngân sách 7.652 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2013. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng được triển khai và hoàn thành với tiến độ nhanh như: Quốc lộ 1A (đoạn qua Nghệ An), cầu Dùng, 5 cầu vượt đường sắt; khánh thành nhà ga mới sân bay Vinh (nâng công suất khai thác lên 3 triệu lượt hành khách/năm và đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thành sân bay quốc tế); cảng Cửa Lò được nạo vét để tàu 2 vạn tấn vào ra thuận lợi, trong tương lai đạt công suất 20 triệu tấn/năm; đại lộ Vinh-Cửa Lò, cùng nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng...

TP Vinh ngày càng được xây dựng hiện đại. Ảnh: ĐỨC QUANG

Tính lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 776 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn 164.937 tỷ đồng và 43 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 1,61 tỷ USD. Riêng năm 2014, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 187 dự án với 55.663 tỷ đồng vốn đăng ký, vượt 260% về số dự án và 432% về số lượng vốn đăng ký so với năm 2013. Nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH-True milk, Nhà máy bia Sài Gòn-Sông Lam, Bia Hà Nội-Nghệ An, Bao bì Sabeco, Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na, Nhà máy ván nhân tạo MDF; các nhà máy may và lắp ráp linh kiện điện tử của Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều dự án khác có quy mô khá của những tập đoàn có thương hiệu đang triển khai xây dựng như: Nhà máy sản xuất tôn thép của Tập đoàn Hoa Sen, Nhà máy xi măng Tân Thắng, Trung tâm Công nghiệp thực phẩm miền Bắc của Tập đoàn Masan, quần thể du lịch Lan Châu-Song Ngư v.v.. không chỉ tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu ngân sách, mà còn có tác dụng thúc đẩy, thu hút các dự án khác vào đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là dự án Khu tổ hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP6 Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho rằng, tuy số dự án đầu tư vào tỉnh chưa nhiều, nhưng trong những năm gần đây, các dự án sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động hoặc công nghệ cao đã vào đầu tư, hầu hết các dự án này đều triển khai đúng tiến độ cam kết, hứa hẹn một tốc độ tăng trưởng nhanh và mang sức hấp dẫn đầu tư mới trong tương lai.

Chính sách phù hợp và nhất quán

Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế nhận định, so với hai tỉnh bạn Thanh Hóa và Hà Tĩnh, Nghệ An có một số lợi thế, tiềm năng nổi bật hơn để thu hút đầu tư, đó là tiềm năng đất đai rộng lớn với 16.499km2 (lớn nhất cả nước); hệ thống giao thông đồng bộ, đầy đủ các tuyến đường bộ, đường không, cảng biển, đường thủy nội địa, đường sắt và nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn tôn Hoa Sen, tâm sự: “Tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, chúng tôi cảm nhận được rất rõ tinh thần “trải thảm đỏ” đối với các nhà đầu tư… Khi dự án của chúng tôi được triển khai tại Nghệ An, điều cảm nhận trên của chúng tôi là hoàn toàn đúng; từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành đã hết lòng với doanh nghiệp”.

Nói về hoạt động của dự án nhà máy sản xuất tôn thép tại Nghệ An, ông Lê Phước Vũ cho biết: Hiện nay, Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu sản phẩm từ cảng Cái Ghép qua cảng Băng Cốc rồi theo đường bộ hơn 600km đến vùng Đông Bắc Thái Lan; trong khi từ cảng Cửa Lò đi theo đường bộ qua các cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến vùng Đông Bắc Thái Lan chỉ khoảng 400km. Vì thế, trong tương lai, chúng tôi dự kiến sẽ xuất hàng trực tiếp từ Nghệ An qua Thái Lan theo tuyến đường trên, nếu như cảng Cửa Lò đủ sâu để tàu trọng tải lớn cập cảng và nhất là tuyến đường từ biên giới Việt-Lào qua Viêng Chăn phải là một tuyến đường tốt…

Phân tích trên của ông Lê Phước Vũ cho thấy vai trò quyết định của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đối với thu hút đầu tư, trong đó cần sự phối hợp giữa các địa phương, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. Ước tính từ năm 2010 đến nay, Nghệ An đã huy động hơn 146.000 tỷ đồng, trong đó huy động trong dân 20%, đầu tư nước ngoài 5% cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Hàng loạt dự án đường đã và đang đầu tư được hoàn thành đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Được biết, dự án nâng cấp cảng Cửa Lò bằng việc nạo vét luồng tàu đến âm 7,2m và xây dựng đê 250m, bảo đảm cho tàu 10.000 tấn ra vào thuận lợi, sẽ được hoàn thành trong quý I-2015. Năm 2014, doanh thu từ vận tải hàng không đã mang về cho Nghệ An 55 tỷ đồng với 1,25 triệu lượt hành khách; hiện tại, Nhà ga hành khách-Cảng hàng không Vinh vừa được khánh thành có kiến trúc hiện đại với công suất 3 triệu lượt hành khách/năm đã đưa vào khai thác. Dự kiến đến năm 2020, Cảng hàng không Vinh sẽ đưa đón 2,5 triệu lượt hành khách và năm 2030 đạt 7 triệu lượt hành khách.

Tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư năm 2015 được tổ chức mới đây, đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch, ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư phù hợp và nhất quán; thực hiện tốt phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình đăng ký, triển khai và thực hiện dự án có hiệu quả”.

Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một trong những luận cứ khoa học cho việc phát triển đột phá kinh tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là thực hiện chương trình hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính Nhà nước, trong đó thực hiện cải cách hệ thống chính trị cho phù hợp với yêu cầu phát triển và điều kiện cụ thể của địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng, chất lượng quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện cải cách chính trị nhanh chóng và mạnh mẽ sẽ là yếu tố thúc đẩy tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ của nhân dân. Đó là một công việc khó khăn, phức tạp nhưng rất cần thiết. Nó cho phép tỉnh Nghệ An bước vào thời kỳ phát triển mới với động lực sáng tạo mới và tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế-xã hội mới.

TRẦN HOÀI