QĐND - Quốc hội, Chính phủ đang tích cực xây dựng luật pháp, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều tỏ rõ quyết tâm cao độ để tạo ra môi trường pháp luật thông thoáng, bộ máy hành chính cởi mở, mang tinh thần phục vụ để tháo gỡ những khó khăn đang cản bước phát triển của doanh nghiệp, nhằm tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư quốc gia.

Doanh nghiệp được trao quyền chủ động hơn

Vừa qua, khi bàn về hai dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện quan điểm đổi mới trong việc thu hẹp danh sách các ngành nghề kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này thực hiện theo đúng tinh thần là người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Phạm vi vùng cấm kinh doanh cũng được thu hẹp tối đa, chỉ còn 11 ngành nghề, chủ yếu là những ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng tới các vấn đề như an ninh quốc gia, đạo đức, sức khỏe con người, phát triển bền vững. 40 ngành nghề kinh doanh đã thoát khỏi “danh sách đen”.

Theo những bàn thảo đối với Luật Doanh nghiệp thì sắp tới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không cần phải ghi rõ ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp được trao quyền chủ động hơn trong việc sản xuất, kinh doanh của mình. Khi thấy những điều kiện bất lợi đối với ngành nghề kinh doanh đang làm, doanh nghiệp có thể chuyển sang ngành nghề khác mà không cần phải xin phép chuyển đổi ngành nghề.

Công ty TNHH thời trang Star ổn định việc làm cho gần 2000 lao động. Ảnh: TTXVN

Từ xưa tới nay, cơ quan nhà nước luôn dành ưu thế trong mối quan hệ với doanh nghiệp để tiện bề quản lý, đẩy phần khó khăn cho doanh nghiệp. Làm gì doanh nghiệp cũng phải “xin phép” và chờ được “cho phép”. Nay, theo các chuyên gia thì đã đến lúc các cơ quan quản lý phải nhận phần khó về mình, phải có tâm thế phục vụ doanh nghiệp.

"Quản lý nhà nước không phải là dành thuận lợi cho chúng ta (Nhà nước), mà là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này trong cuộc họp thường trực Chính phủ với các bộ ngành ngày 19-8 vừa qua.

Tinh thần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp đã được thể hiện trong khi xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thì tinh thần ấy cần được thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Một số nguyên tắc trong quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã được các chuyên gia đề xuất, đó là: “im lặng là đồng ý”; “được chủ động lựa chọn quy trình”, “quyền tiếp cận thông tin”, “nghĩa vụ chứng minh”… “Im lặng là đồng ý”, tức là cần quy định  khoảng thời gian để các cơ quan quản lý phải hoàn thành thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nếu hết thời gian này mà chưa hoàn thành, không có hồi đáp thì coi như là đã đồng ý với yêu cầu của doanh nghiệp. “Được chủ động lựa chọn quy trình” là doanh nghiệp có quyền chủ động đáng kể trong việc quyết định thứ tự thực hiện các thủ tục hành chính. Một số thủ tục hành chính có thể được tiến hành đồng thời. “Quyền tiếp cận thông tin” là doanh nghiệp cần được cung cấp thông tin về việc các yêu cầu của họ đang được giải quyết ở công đoạn nào; cá nhân nào chịu trách nhiệm giải quyết; cơ quan nào đã xem xét và có ý kiến, các ý kiến đó như thế nào; cơ quan nào đang xem xét; dự kiến ngày hoàn thành… “Nghĩa vụ chứng minh” có nghĩa là khi cơ quan nhà nước đề xuất, xây dựng, thiết kế một quy trình hành chính nào đó thì cần chứng minh một cách thuyết phục về tính cần thiết và hợp lý của quy trình đó.

Quyết liệt cải tiến quy trình, thanh lọc cán bộ tiêu cực

Muốn tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ sửa đổi luật pháp thôi vẫn chưa đủ mà theo các nhà kinh tế, cần phải thanh lọc lại bộ máy hành chính, quản lý, thực thi luật pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đồng chí đã giật mình khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói rằng pháp luật của Việt Nam phức tạp nhất thế giới. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu so về số lượng các luật thì Việt Nam còn ít hơn nhiều so với các nước phát triển. Ở một số nước thì ngay cả việc xếp hàng mua hàng hóa cũng được quy định cụ thể trong luật. Thế nhưng, sự phức tạp của luật pháp của Việt Nam chính là ở chỗ các luật có thể được hiểu và được diễn giải theo những cách thức khác nhau. Và trong đó, còn nhiều điểm chưa được làm rõ. Đại biểu Quốc hội, đồng thời là chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, hệ thống luật pháp của nhiều nước rất phức tạp, nhưng vẫn được thực thi trơn tru vì được quy định minh bạch. Lợi ích của doanh nghiệp cũng được xem là lợi ích quốc gia nên không ai phàn nàn. Trong khi ở Việt Nam, ai hiểu luật thế nào cũng được, nhiều cán bộ vận dụng quy định để “làm ăn”. Thế nên nếu chỉ sửa luật mà bộ máy vẫn vậy thì không thể cải thiện được môi trường đầu tư.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với một loạt các bộ, ngành hay tiếp xúc với doanh nghiệp. Đó là các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thuế, Hải quan. Trong các cuộc gặp ấy, Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ sự không hài lòng với những tồn tại đang “hành” doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm mỗi doanh nghiệp Việt Nam mất tới 872 giờ để nộp thuế và đóng bảo hiểm, khiến Việt Nam đứng đội sổ trong khu vực về số giờ nộp thuế (mức bình quân trong khu vực ASEAN cũng chỉ là 171 giờ). Thời gian thực hiện thủ tục hải quan trong xuất khẩu của Việt Nam đang là 4 ngày, cao gấp hai lần bình quân khu vực (ngay Lào, Cam-pu-chia cũng chỉ mất từ 1 đến 3 ngày). Đó là những thực trạng mà theo Thủ tướng Chính phủ là “không thể chấp nhận”.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến cuối năm nay, số giờ nộp thuế phải giảm bớt được 200 giờ, thời gian làm thủ tục hải quan cũng phải giảm còn một nửa. Thủ tướng coi nhiệm vụ cải cách ngành hải quan cũng là cải cách là hình ảnh đất nước. Thủ tướng cũng yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Thời gian làm thủ tục thành lập và giải thể doanh nghiệp phải giảm một nửa; bỏ ngay những thủ tục không cần thiết, chỉ giữ lại những quy định, thủ tục cần thiết để bảo vệ quốc phòng - an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng xã hội.

Trong khi làm việc với các bộ, ngành nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc phải đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm nay, bên cạnh việc công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI thì VCCI sẽ lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân để đánh giá chỉ số tín nhiệm đối với các bộ. Như vậy là doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm một công cụ nữa để thể hiện thái độ của mình đối với chất lượng “phục vụ” của bộ máy hành chính.

Trong thời gian tới, muốn rà soát, loại bỏ bớt các thủ tục không cần thiết thì vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc cấp phép, quản lý, kiểm tra chéo đã được đề ra. Để việc phối hợp này được thực hiện nhanh chóng, khoa học, chính xác thì vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện “chính quyền điện tử” là rất quan trọng. Chính phủ cũng đã có chủ trương này và có thể sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Kinh tế đất nước vẫn đang khó khăn. Lúc này, các bộ, ngành, địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bởi chỉ có như vậy mới tạo ra sức hút, tăng thêm cơ hội phát triển cho đất nước trong thời kỳ cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. 

HỒ QUANG PHƯƠNG