QĐND Online – Sau nhiều cuộc họp, cũng như hội nghị về hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp, dường như phương án tuyển sinh vào lớp 6 vẫn là “bài toán” khó khi Sở GD-ĐT Hà Nội chưa đưa ra được phương án cụ thể và tiếp tục yêu cầu các trường có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, phải xây dựng phương án tuyển sinh trình lên Sở.

Thông tư 30 hiện nay quy định không chấm điểm mà đánh giá năng lực học sinh tiểu học.

Khó xét từ tiêu chí học bạ

Nhằm giảm tải áp lực thi cử cho học sinh, theo văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 năm nay, các trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển. Điều này đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội, tuy nhiên với những trường tốp trên thì đây lại là điều khó khăn khi lượng hồ sơ xét tuyển luôn gấp cả chục lần so với chỉ tiêu. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn xét tuyển ra sao để không phát sinh tiêu cực, bức xúc cho người dân.

Bà Lê Thị Kim Ánh, Phó phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, Phòng đã có hội nghị do UBND quận chủ trì về tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, lo ngại nhất tại quận Cầu Giấy là có một số trường chỉ tiêu tuyển sinh ít nhưng đối tượng đăng ký nhiều như Trường THCS Cầu Giấy và một số trường ngoài công lập. Với chỉ đạo không thi tuyển vào lớp 6, phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cũng đã nhiều lần họp bàn để tìm ra phương án.

Trường THCS Cầu Giấy đưa giải pháp tuyển sinh xét tuyển thẳng học sinh có giải, sau đó có bài sát hạch. Một số trường ngoài công lập đưa ra phương án tuyển sinh đầu cấp là xét tuyển, kiểm tra sát hạch chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ) nhưng lãnh đạo quận yêu cầu xét học bạ. Tuy nhiên, xét tuyển học bạ cũng không ổn bởi theo Thông tư 30 là đánh giá năng lực học sinh không chấm điểm. "Các em học sinh lớp 5 cả năm học vừa rồi chỉ có 2 bài kiểm tra, còn lại là nhận xét của giáo viên, nên chúng tôi thật sự gặp khó khi đề ra tiêu chuẩn để xét tuyển các em", bà Lê Thị Kim Ánh nhận xét.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Siêu cho rằng, quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 đặt lên vai người quản lý phải có phương thức xét tuyển phù hợp mà lại phải đồng bộ với Thông tư 30, do đó nhà trường đã đưa ra nhiều phương án khác nhau.

Cách thứ nhất, nhà trường đưa ra mẫu để giáo viên tiểu học đánh giá học sinh dựa theo năng lực chuẩn đầu ra của trẻ khi kết thúc tiểu học. Cách thứ hai, trường sẽ tổ chức một ngày trải nghiệm, trong ngày đó học sinh sẽ tham gia một số hoạt động tập thể, hoạt động nhóm và hoạt động cá nhân có thể giúp học sinh bộc lộ kỹ năng, thái độ của mình. Từ những hoạt động đó, thầy cô sẽ quan sát hành vi cũng như quan sát kỹ năng của trẻ.

Việc không thực hiện bài thi kiểm tra kiến thức như mọi năm khiến việc đánh giá học sinh gặp nhiều khó khăn. Vì thế, sau khi cân nhắc, trường dự kiến sẽ mời Viện Khoa học-Giáo dục đến kết hợp để kiểm tra năng lực chỉ số IQ, EQ và chỉ số vượt khó của học sinh. Riêng bộ môn tiếng Anh, học sinh sẽ trực tiếp tham gia phỏng vấn với người nước ngoài để đánh giá khả năng nghe nói và phản xạ. Mọi năm, trường cũng áp dụng phương pháp này nhưng có thêm phần kiểm tra kiến thức bộ môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh.

"Trường THCS Nguyễn Siêu may mắn vì đa phần sẽ tuyển sinh thông cấp, nghĩa là đa số học sinh lớp 5 trong trường sẽ dự tuyển lên lớp 6. Chỉ khi thiếu chỉ tiêu trường mới tuyển học sinh ở các nơi khác. Tuy nhiên phương thức tuyển sinh với 2 đối tượng này như nhau", bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết thêm.

Quy định chỉ xét tuyển, không thi tuyển lớp 6 nhằm giảm tải áp lực thi cử cho học sinh

Bày tỏ sự ủng hộ với phương thức tuyển sinh mới của Bộ, bà Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ: "Phương thức tuyển sinh này sẽ giảm thiểu được tiêu cực, sẽ giúp các em phát triển toàn diện. Cá nhân tôi là một phụ huynh có con học lớp 5, tôi cũng thấy chịu nhiều áp lực khi con đi học mà có những bài Toán xa rời thực tế. Việc không tổ chức thi mà xét tuyển có thể tích hợp được nhiều môn học, giúp các em bộc lộ năng lực toàn diện, đặc biệt giảm tình trạng dạy thêm, học thêm".

Năm nay, Trường THCS Nguyễn Siêu sẽ tuyển sinh trực tuyến để tránh tình trạng phụ huynh, học sinh phải chờ quá đông trước cổng trường. Ngày trải nghiệm cũng sẽ được tổ chức thành nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 100 em để phù hợp với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường và đảm bảo việc đánh giá được chính xác nhất.

Ngày 16-4, Sở sẽ chốt phương án thay thế

Trước việc một số trường nóng lòng muốn “vượt rào” để có cách tuyển sinh riêng, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT cho biết: "Sở đã có công văn yêu cầu không thi tuyển vào lớp 6 các môn văn hóa là Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Các trường phải làm nghiêm túc, nếu không, từ hiệu trưởng đến phòng GD-ĐT và các đơn vị liên quan sẽ chịu trách nhiệm".

Chia sẻ với những khó khăn mà các trường tốp trên đang gặp phải khi tuyển sinh vào lớp 6, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các trường ở Hà Nội tuyển sinh vào lớp 6 có lượng hồ sơ đăng ký lớn vượt quá số chỉ tiêu được giao phải có phương án gửi lãnh đạo Sở GD-ĐT, chậm nhất vào ngày 14-4. Ngày 16-4, Sở sẽ chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6.

Tuy nhiên, nếu trường nào không làm đề án mà tuyển sinh theo bất cứ phương án nào khác ngoài phương án chỉ được xét tuyển thì từ hiệu trưởng đến trưởng phòng GD-ĐT và Chủ tịch UBND quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

 

Bài, ảnh: THU HÀ

Hà Nội quy định hình thức tuyển sinh đầu cấp

Trường và phụ huynh lúng túng trước việc cấm thi tuyển vào lớp 6

Không thi tuyển sinh vào lớp 6