QĐND - Những năm gần đây, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) của nước ta đã có nhiều kết quả tích cực, thiệt hại về người do bão gây ra đã giảm rất nhiều. Nhân Ngày truyền thống Phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai (22-5), Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Lực lượng vũ trang luôn đi đầu trong công tác PCTT

- Thưa Cục trưởng! Xin ông cho biết về những kết quả chính trong công tác PCTT thời gian qua?

- Các loại hình thiên tai gây chết người chủ yếu là bão, lũ, sạt lở đất. Trước đây khi có bão thường xảy ra tình trạng nhiều người chết trên biển. Những năm gần đây mỗi khi có bão, chúng ta đã thực hiện rất quyết liệt việc kêu gọi, thông báo kịp thời cho tàu, thuyền, phương tiện về bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Cùng với đó, công tác dự báo bão, chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống bão ở các cấp đều được thực hiện tốt. Do đó, tình trạng chết người trên biển do bão đã gần như không xảy ra (chỉ một số ít do tai nạn trên biển). Tôi cho rằng đây là một thành công lớn của chúng ta trong công tác PCTT.

Tuy nhiên, tình trạng chết người do lũ, sạt lở đất vẫn xảy ra. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực cùng với chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại về người, đồng thời bảo vệ tài sản của người dân, như di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất...

- Ông đánh giá thế nào về đóng góp của lực lượng vũ trang (LLVT) nói chung và quân đội nói riêng trong công tác PCTT?

Ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai.

- Trong nhiều năm qua, mỗi khi có thiên tai xảy ra thì LLVT, nhất là lực lượng quân đội luôn đi đầu để giúp dân phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại bằng các việc làm cụ thể: Sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, tìm kiếm cứu nạn… Những đóng góp này đã được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

 - Mùa mưa bão đang đến gần, vậy việc vận hành các hồ chứa (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) như thế nào để không còn xảy ra tình trạng xả lũ gây ngập lụt cho vùng hạ du?

- Để khắc phục một số bất cập trong công tác vận hành hồ chứa, lãnh đạo Bộ NN&PTNT rất quan tâm chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi với yêu cầu bên cạnh việc khẩn trương, tích cực nâng cấp các hồ, đập yếu thì công tác quản lý, vận hành hồ cũng được quan tâm đặc biệt. Hiện các hồ chứa được vận hành có bổ sung các trạm quan trắc, từ đo mưa tự động, đo mưa cộng đồng, xây dựng phần mềm tính toán để vận hành hồ gần với thời gian thực, yêu cầu đặt ra là làm sao để không bị động, gây khó khăn, ngập lụt bất ngờ cho vùng hạ du. Biện pháp này được áp dụng trước hết là đối với các hồ chứa lớn có cửa xả lũ. Hiện nay, một số dự án, kể cả dự án ODA do Nhật Bản hỗ trợ như đối với sông Hương, đều tăng cường quan trắc và sử dụng phần mềm để quản lý, vận hành hồ.

Xây dựng chiến lược phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai

- Kể từ khi Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực, chúng ta đã triển khai được những gì để đưa luật vào cuộc sống?

Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ tháng 5-2014. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực thi Luật PCTT, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định: Nghị định về thi hành một số điều của Luật PCTT, Nghị định về thành lập Quỹ PCTT và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định về cấp độ rủi ro thiên tai và Quyết định về phát tin, truyền tin cảnh báo thiên tai. Như vậy, việc ban hành các văn bản dưới luật đã thực hiện xong từ năm 2014. Về tổ chức, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát làm Trưởng ban. Các địa phương đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Về tuyên truyền, phổ biến luật, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị để tuyên truyền, giới thiệu luật được in bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Hiện nay, chúng tôi đang rà soát để xây dựng chiến lược phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và biến đổi khí hậu để trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2015.

Cục PCTT đã triển khai xây dựng kế hoạch PCTT cấp quốc gia, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương xây dựng các phương án PCTT theo các cấp độ rủi ro. Đặc biệt trong thời gian tới, chúng tôi tổng hợp xây dựng các phương án tổng hợp ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bản đồ phòng, chống lụt bão, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, bàn giao cho các địa phương bản đồ ngập lụt do nước biển dâng để các địa phương chủ động ứng phó với thiên tai.

- Kế hoạch ứng phó với bão mạnh, siêu bão được thực hiện như thế nào?

- Kế hoạch ứng phó với bão mạnh, siêu bão tập trung chủ yếu ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Rút kinh nghiệm từ bão Haiyan khiến nước biển dâng gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân Phi-líp-pin, chúng ta cần có bản đồ xác định vị trí nước biển dâng để có phương án phòng, giảm nhẹ thiệt hại. Các địa phương đã và đang xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão (hiện có 15 tỉnh, thành phố đã hoàn thành). Đánh giá chung thì các địa phương đã chủ động xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi. Trong đó, các phương án chủ yếu tập trung vào công tác sơ tán dân, bảo vệ tính mạng của người dân, công tác chỉ huy, thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

 - Các bộ, ngành đã triển khai xây dựng phương án PCTT chưa, thưa Cục trưởng? 

 - Các bộ, ngành cũng đang triển khai xây dựng phương án PCTT, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đang triển khai rất tích cực. Ví dụ: Bộ Xây dựng đánh giá công trình xây dựng, nhà cửa, kết cấu hạ tầng khả năng chống chịu với bão mạnh, siêu bão.

- Thưa Cục trưởng, công tác dự báo về PCTT trong thời gian qua của chúng ta như thế nào?

- Những năm qua, công tác cảnh báo, dự báo thiên tai nói chung ngày càng được nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, riêng việc dự báo mưa còn phụ thuộc lưới trạm quan trắc, do lưới trạm thưa nên chúng ta chưa dự báo trước được mưa cục bộ. Thời gian tới, chúng ta sẽ cố gắng khắc phục hạn chế này.

Trong vòng 7-8 năm trở lại đây, việc chúng ta chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai là một chủ trương đúng đắn. Nhờ đó, công tác PCTT đã tốt hơn nhiều. Công tác chỉ huy, diễn tập, tuyên truyền, tập huấn kỹ năng ứng phó với thiên tai của người dân, của cộng đồng có nhiều chuyển biến, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là về người.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)