QĐND - Mới đầu mùa mưa nhưng ngành y tế nhiều tỉnh, thành phố ở Nam Bộ đã liên tục cảnh báo về tình trạng các bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) tăng cao. Hiện công tác cấp cứu và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm này đang được ngành y tế triển khai khẩn trương, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Số ca tăng cao, biến chứng nặng
Ngày 19-5 vừa qua, ngành y tế tỉnh Lâm Đồng đã xác nhận trường hợp mắc bệnh TCM đầu tiên tử vong do biến chứng quá nặng là bệnh nhân Hoàng Thanh Yến Vi (3 tuổi, ngụ xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà). Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng trong tình trạng bị viêm phổi, bệnh TCM độ 2a. Dù được các y sĩ, bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng cháu bé không thể qua khỏi. Qua điều tra dịch tễ, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã xác định được ổ dịch ở khu vực bệnh nhân Hoàng Thanh Yến Vi sinh sống, nhanh chóng tiến hành khoanh vùng, khống chế dịch.
Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho thấy, tháng 4-2015 ghi nhận có 177 ca bệnh TCM, tăng 109 ca so với tháng trước đó. Đa số các ca bệnh tập trung tại TP Vũng Tàu, chiếm 124 ca.
Tại tỉnh Đồng Nai, số ca SXH được ghi nhận tăng cao. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, địa phương có hơn 1.300 ca SXH, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm trước. Tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, trong tháng 4-2015, ngành y tế ghi nhận có 4 ổ dịch SXH với 21 trường hợp SXH, tăng 3 ổ dịch và 12 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số lượng người đến khám, điều trị bệnh SXH, tiêu chảy… tăng khá cao. Từ đầu năm 2015 đến nay, trung bình mỗi tháng có từ 700-800 ca nhập viện do SXH. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tháng 4 và gần hết tháng 5, trên địa bàn ghi nhận có gần 700 trường hợp trẻ nhập viện vì bệnh TCM. Nhiều ca bệnh được đưa đến các cơ sở y tế trong tình trạng biến chứng nặng. Đối với bệnh SXH, 5 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã ghi nhận có gần 4.000 ca SXH nhập viện điều trị, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2014, đã có 2 ca tử vong do biến chứng quá nặng mới nhập viện điều trị.
Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vào những ngày cuối tháng 5-2015 luôn trong tình trạng quá tải. Tại các phòng lưu bệnh và dọc hành lang, các giường đều có từ 2-3 bệnh nhi nằm chung. Người nhà bệnh nhân ngồi chật kín nền nhà với vẻ mặt lo lắng. Bệnh viện Nhi đồng 1 là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị bệnh truyền nhiễm ở trẻ em trên địa bàn phía Nam nên ngoài bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh, còn có các bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên đến điều trị. Bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: “Thời tiết từ đầu tháng 5 đến nay nắng nóng bất thường, kèm với mưa đầu mùa, nên số ca bệnh SXH, TCM tăng rất cao so với tháng trước. Do lượng bệnh nhân dồn về cùng lúc nên Khoa Nhiễm luôn trong tình trạng quá tải. Cán bộ, y sĩ, bác sĩ của khoa phải tăng ca trực để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Đến nay, tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì TCM trong năm 2015, nhưng từ đầu tháng 4 đến nay đã có nhiều trường hợp bệnh nhân TCM bị biến chứng nặng phải nhập viện điều trị”.
 |
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh.
|
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh nhận định: "Với thời tiết phức tạp đầu mùa mưa, hệ thống nước trên các kênh rạch dâng cao, gây ô nhiễm ở nhiều khu dân cư là nguyên nhân gây ra sự bùng phát các loại dịch bệnh như SXH, TCM, tiêu chảy".
Cần chủ động phòng, chống từ gia đình, cộng đồng
Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH năm 2015, do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ở TP Hồ Chí Minh mới đây đã nhận định: Dịch bệnh SXH có nguy cơ bùng phát vào mùa mưa của năm 2015. Do đó, các địa phương cần quyết liệt, chủ động phòng và chống trước mùa dịch. Bộ Y tế nhắc nhở: Để phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, ngành y tế dự phòng các địa phương phải quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia. Chú trọng công tác tuyên truyền về ý thức phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, giữ vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống ở khu dân cư, gia đình.
Cũng tại hội nghị nêu trên, GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện bệnh SXH tại các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng cả về số trường hợp mắc và tử vong. Tuy nhiên, việc chủ động phòng, chống dịch ở nhiều địa phương còn chưa tốt, chưa quyết liệt. Công tác phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn, do nơi đây có nhiều cơ sở y tế tuyến cuối, nơi tiếp nhận các nguồn bệnh từ nhiều tỉnh, thành phố.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, các bệnh SXH, TCM đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, khi dịch bệnh bùng phát, nhất là khi bước vào mùa mưa, việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Các loại bệnh như SXH, TCM phải bắt đầu các biện pháp phòng ngừa từ gia đình, cộng đồng nơi sinh sống.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: "Để khắc phục khó khăn, bất cập trong phòng, chống SXH, TCM, sắp tới Sở Y tế sẽ thực hiện phân công trách nhiệm cụ thể giữa sở với từng quận, huyện trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tại các bệnh viện cũng phải chủ động, sẵn sàng dập dịch theo các phương án; huy động lực lượng, phương tiện kịp thời để thực hiện điều trị cấp cứu, không để xảy ra trường hợp tử vong".
Trước tình trạng số ca SXH, TCM tăng cao, có nguy cơ bùng phát vào tháng 6 và tháng 7, ngày 13-5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra các thông điệp khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống bệnh TCM, SXH. Thông điệp nêu rõ: Để phòng, chống dịch SXH, TCM cần bắt đầu từ gia đình, cộng đồng dân cư. Trong sinh hoạt, ăn uống phải bảo đảm vệ sinh, khử khuẩn định kỳ, không để nguồn nước ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư; khi có các triệu chứng của SXH, TCM cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ lây nhiễm; đồng thời báo cho cơ quan y tế dự phòng ở địa phương để triển khai công tác khoanh vùng, dập dịch, tránh để lây lan, bùng phát dịch bệnh.
|
Bài và ảnh: SONG AN