QĐND Online – Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thú y.

Thời gian qua, việc công bố dịch bệnh có nhiều bất cập. Nhiều nơi vì thành tích đã xảy ra tình trạng giấu dịch, chậm công bố dịch, trong khi có không ít nơi lại nôn nóng sớm công bố dịch khiến ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi của địa phương. Do vậy, nội dung về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình). Ảnh: http://daidoanket.vn.

Về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn ở địa phương (khoản 4 Điều 26), trước kỳ họp và trong phiên thảo luận chiều 23-5, đa số ý kiến tán thành thẩm quyền công bố dịch động vật trên cạn ở địa phương nên phân cấp đến chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị chỉ nên phân cấp đến chủ tịch UBND cấp tỉnh như quy định của Pháp lệnh Thú y hiện hành.

Giải trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mỗi loại ý kiến đều có lập luận xác đáng về lý do cần thiết phân cấp thẩm quyền công bố dịch. Về bản chất, việc công bố dịch nhằm xác lập vùng có dịch để có biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Việc công bố dịch cần phải kịp thời, chính xác, phù hợp quy mô và tính chất của mỗi loại dịch bệnh… để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra và bảo đảm hiệu quả khi tổ chức chống dịch. Hiện tại, thẩm quyền công bố dịch tại địa phương được giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Pháp lệnh Thú y hiện hành (Điều 17). Tuy nhiên, thực tiễn việc thực thi quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập như: Không rõ trách nhiệm chính quyền huyện, xã với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; việc công bố dịch có thời điểm chưa kịp thời, có tình trạng “giấu dịch”, “chậm công bố dịch” làm dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát… Hơn nữa, việc quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch dễ tạo tâm lý toàn tỉnh đó có dịch bệnh, gây tác động bất lợi cho việc kinh doanh động vật và sản phẩm động vật ở tỉnh/thành phố đã công bố dịch.

Do vậy, sau khi cân nhắc về năng lực thực tế của các địa phương cũng như các quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của UBND các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị với Quốc hội phân cấp thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn tới chủ tịch UBND cấp huyện. Các đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) và Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) ủng hộ quan điểm này vì khi tỉnh công bố sẽ làm cho tâm lý cả một tỉnh có dịch trong khi thực tế chỉ có một, hai huyện hoặc trong một hai huyện đó chỉ có một, hai xã có dịch. Nếu công bố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong cả tỉnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) chỉ nên giao cho chủ tịch UBND tỉnh vì thực tế khi có dịch sẽ có giới hạn vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Nếu một xã có dịch nằm ở vùng giáp ranh với nhiều huyện sẽ khiến nhiều huyện phải tham gia và vẫn cần sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh để tiến hành phòng, chống dịch. Như vậy, quy định thẩm quyền công bố của UBND huyện chỉ làm phát sinh thêm thủ tục.

Cùng quan điểm với đại biểu Nga, đại biểu Phạm Văn Tấn (nghệ An) đã nêu ra một loạt lý do để giữ như quy định hiện hành, đó là theo dự thảo luật, hệ thống cơ quan chuyên môn thú y xã, huyện sẽ ngày càng nâng cao nên bám nắm tình hình tốt hơn; cơ sở hạ tầng để thông tin cũng tốt hơn; việc chậm, giấu công bố dịch sẽ bị xử lý theo nhiều quy định trong dự thảo luật; mặt khác việc được giao thẩm quyền có thể cũng là điều kiện để người có thẩm quyền công bố dịch chậm công bố dịch.

Để việc công bố được đúng, kịp thời, nhiều đại biểu đã đóng góp về điều kiện, tiêu chí công bố dịch bệnh. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điều kiện công bố dịch trong dự thảo chỉ mang tính định tính chưa có định lượng khiến khó khăn áp dụng và dễ bị chủ quan, không thống nhất. Đại biểu chỉ ra thời gian qua chính vì chưa có quy định về định lượng mà dẫn đến lúng túng. Có nơi không công bố do thành tích, có nơi lại nôn nóng công bố dịch khiến ảnh hưởng cuộc sống người nông dân. Đại biểu Thúy cho rằng cần quy định định tính, như tỷ lệ bệnh là bao nhiêu hoặc bao nhiêu xã có dịch… nếu không xác định được thì để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) kiến nghị nên quy định theo tỷ lệ với tỉnh là có 30% huyện có dịch thì tỉnh công bố tỉnh có dịch, với huyện cũng vậy, có 30% số xã có dịch thì huyện công bố có dịch.

* Cũng trong chiều 23-5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam gồm có 11 chương, 87 điều.

Ngày 24-5, Quốc hội nghỉ làm việc.

XUÂN DŨNG