QĐND - Sau một thời gian tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông, tỷ lệ trẻ em đội MBH đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh cố tình “quên” vì những lý do không xác đáng.
Thời gian trước, chị Giang Thùy Trang (phố Nguyễn Biểu, Hà Nội) thường chở con đi học mà “quên” đội MBH cho bé thì nay chị đã chú ý không để chuyện đó xảy ra. Chia sẻ về thay đổi này, chị Trang cho biết: “Bấy lâu nay, tôi cứ nghĩ con học ngay gần nhà thì cần gì đội MBH. Nhưng tai nạn có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, chẳng kể quãng đường ngắn hay dài. Vì vậy, việc đội mũ cho con đối với tôi bây giờ không phải là tránh bị xử phạt mà là trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ”.
 |
Tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh tại Nam Định.
|
Theo khảo sát độc lập của Quỹ Phòng, chống Thương vong châu Á (AIP) tại 3 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh), sau đợt kiểm tra, nhắc nhở cao điểm, tỷ lệ học sinh đội MBH đạt 68%. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng 30% nhưng tại các thành phố lớn vẫn còn 32% trẻ em chưa đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông. Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Trọng Thái bày tỏ: Việc tuyên truyền, nhắc nhở trước khi xử lý vi phạm đã có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nhận thức, ý thức của nhiều phụ huynh chưa cao khi vẫn cố tình vi phạm. Nhiều bậc cha mẹ học sinh đèo ba, bốn cháu đến trường không đội MBH cho con em mình với nhiều lý do khác nhau như vội quá, quên, không có chỗ treo mũ… "Bên cạnh đó, việc xác định độ tuổi của trẻ em trong quy định phải đội MBH vẫn còn khó khăn. Nhiều trường hợp vi phạm chưa được nhắc nhở và xử phạt nên chưa tạo được sự răn đe mạnh, vi phạm vẫn tiếp diễn”, ông Thái nhấn mạnh.
Theo AIP, không có bằng chứng nào cho thấy đội MBH làm tăng nguy cơ chấn thương cổ ở trẻ em hoặc dùng MBH có thể làm yếu cơ bắp ở cổ, ảnh hưởng đến sự phát triển cột sống của bé. Trong khi đó, MBH đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông tới 69% và giảm khả năng tử vong tới 42%. So với những người đi xe máy có đội MBH, những người không đội MBH có nguy cơ chấn thương sọ não cao gấp 4 lần và nguy cơ này tăng lên hơn 10 lần trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thái cho rằng: Thời gian tới, ngành công an cần đưa nội dung kiểm tra, xử lý vi phạm về đội MBH đối với trẻ em vào nhiệm vụ thường xuyên; cần thống kê, lập danh sách gửi các trường học nhằm nâng cao tính răn đe trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Đặc biệt, ngành giáo dục phải có hình thức kiểm điểm đối với học sinh cố tình vi phạm hoặc tái phạm quy định của pháp luật về đội MBH. Gắn kiểm tra phê bình với việc đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng cuối năm đối với giáo viên chủ nhiệm lớp.
Bài, ảnh: VŨ DUNG