Để ứng phó với BĐKH, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thì ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) được coi là “chìa khóa” giải quyết vấn đề này.
Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, BĐKH ở Việt Nam đã và đang diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn đối với nước ta. Nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH là việc gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác. Chìa khóa để giải quyết những vấn đề này chính là ứng dụng KHCN. Vì vậy trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn.
Để ứng phó với BĐKH, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ TN&MT triển khai Chương trình KHCN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016-2020... Thông qua chương trình, đã xây dựng, phát triển hệ thống giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam. Giải quyết các vấn đề liên quan đến mặn xâm nhập (các loại đất, cây trồng, rừng...). Xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với mặn xâm nhập... Bên cạnh đó, chương trình góp phần phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH thông qua đào tạo 99 thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo 48 tiến sĩ, nâng cao năng lực cho hàng nghìn cán bộ nghiên cứu khoa học.
 |
Công trình tuyến kè sông Ray thuộc xã Phước Thuận (Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) ứng dụng công nghệ cấu kiện lắp ghép của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam. |
Thời gian qua, các địa phương cũng tích cực ứng dụng KHCN ứng phó với BĐKH. Đơn cử như tỉnh Bắc Kạn đã triển khai mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) nhằm hạn chế tiêu cực của BĐKH trong sản xuất lúa; phát triển cây khoai tây thích ứng rét, chăn nuôi thích ứng rét, dong riềng chống chịu hạn trên đất lúa một vụ. Tại tỉnh Nam Định sử dụng các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ trong nhà màng, nhà lưới theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel. Trong lĩnh vực thủy sản sử dụng hệ thống máy quạt nước, máy sủi trong các ao nuôi làm tăng hàm lượng oxi, giúp đối tượng nuôi ổn định thể chất, chống chịu với thời tiết bất thuận như nắng nóng nhiệt độ cao, kéo dài, hoặc mưa nhiều kéo dài và khi giao mùa...
Cơ hội và trách nhiệm của doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nhiều bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình KHCN thì việc khuyến khích doanh nghiệp (DN) tham gia nghiên cứu công nghệ ứng phó BĐKH cũng rất quan trọng. Thực tế cho thấy, DN vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức từ những tác động của BĐKH thành cơ hội.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương đã làm tốt việc khuyến khích DN tham gia ứng phó BĐKH. Những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi BĐKH, tại địa phương diễn ra hiện tượng xói lở nghiêm trọng, đặc biệt ở các đoạn bờ biển Hồ Cốc, Hồ Tràm và cửa sông Dinh, sông Ray, sông Cửa Lấp... Ông Đỗ Hữu Hiền, Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: "Trước thực trạng xói lở bờ sông, biển, tháng 10-2017, UBND tỉnh đã đặt hàng Công ty Cổ phần KHCN Việt Nam (Busadco) thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Việc ứng dụng thành công cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển do Công ty Busadco nghiên cứu, sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, công nghệ này của Busadco đã được lắp ghép với tổng chiều dài hơn 12.700km tại nhiều địa phương trên cả nước và được đánh giá hiệu quả cao".
TS Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cao cấp về BĐKH của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, việc thu hút DN tham gia vào quá trình thực hiện các dự án thích ứng với BĐKH thời gian qua đã có những kết quả tích cực, song vẫn còn những hạn chế. Theo ông, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Phòng, chống thiên tai đã đề cập đến vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của DN tư nhân trong vấn đề này. Tuy vậy, khối DN chưa chủ động tiếp cận thông tin về luật cũng như văn bản dưới luật. Cùng với đó, một số chính sách và luật còn xem DN là nhóm cần được quản lý thay vì xem họ là đối tác cùng thực hiện các sáng kiến, kế hoạch thích ứng với BĐKH.
Mặt khác, nhiều chương trình đưa ra nhưng không có nguồn kinh phí thực hiện, trong khi chưa có cơ chế huy động tài chính từ phía DN. Một số chương trình quốc gia dù có đề cập đến sự tham gia của DN nhưng lại thiếu cơ chế tài chính, chưa cho thấy lợi nhuận khi đầu tư trong khi đây mới là yếu tố hấp dẫn DN. Vì vậy, để thúc đẩy sự tham gia của DN trong ứng phó với BĐKH cần cho DN thấy cơ hội và lợi ích khi tham gia đầu tư lĩnh vực này, như: Ưu đãi thuế, cơ hội kinh doanh mới, tiếp cận thêm các nguồn hỗ trợ vốn bên ngoài... Bên cạnh đó, cần giúp DN hiểu rằng tham gia lĩnh vực này cũng là trách nhiệm xã hội.
Bài và ảnh: LA DUY