QĐND - Ngày 7-7, ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XIV tiến hành phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường đối với thành viên UBND thành phố và các sở, ngành liên quan. Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu HĐND đó là vấn đề thiếu sân chơi, không gian công cộng cho trẻ em ở các khu dân cư, vấn đề nước sạch nông thôn, nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý nhà chung cư tái định cư…

Sân chơi cho trẻ, thiếu cả chất và lượng

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Phạm Xuân Tài (tổ Thường Tín) muốn UBND thành phố nêu rõ tình trạng công viên, vườn hoa cho trẻ em thiếu như thế nào.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, mặc dù TP Hà Nội hiện có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, nhưng hiện nay sân chơi cho trẻ em thiếu ở cả hai nội dung nhu cầu và theo tiêu chuẩn xây dựng. Trong đó, hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn, còn tại các khu đô thị mới, khu nhà ở, chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ em. Theo ông Hùng, để dẫn đến thực trạng này là do công tác quản lý chưa chặt chẽ, trong khi vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích làm bãi để xe, chợ cóc, hàng quán…

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng) về việc khi phê duyệt quy hoạch cho các dự án khu đô thị mới, UBND thành phố có duyệt quy hoạch đất dành cho nhà cộng đồng, sân vui chơi hay không, ông Hùng cho biết, tất cả các dự án mới đều yêu cầu phải bảo đảm dành đất cho xây dựng các hạng mục này. Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận, mặc dù HĐND thành phố đã ban hành quy hoạch phát triển về văn hóa, đến 2015 có 45% các khu đô thị mới, quận, huyện, thị xã có sân chơi vườn hoa, nhưng đến nay chỉ tiêu này vẫn chưa đạt được do nhiều dự án bị chậm triển khai và bị ảnh hưởng phát triển kinh tế chậm trong thời gian qua.

Nêu lên giải pháp khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Đây là thực trạng chưa thể khắc phục ngay được. Để khắc phục thực trạng này, giai đoạn trước mắt phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội trường học, nhà văn hóa ở các tổ dân cư, đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ngành rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em, nơi nào thiếu quỹ đất thì kết hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi...     

Lo lắng về tình trạng thiếu trầm trọng sân chơi cho trẻ em, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: Nguyên nhân của việc này một phần là do sự vào cuộc chưa quyết liệt của các sở, ngành. “Do đó, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhanh và quyết liệt các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống sân chơi, vườn hoa, công viên, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô một cách tốt nhất”-Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên chất vấn.

Nước sạch nông thôn, cần xã hội hóa đầu tư

Liên quan đến thực trạng nhiều dự án nước sạch trên địa bàn thời gian qua chậm triển khai, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đặt câu hỏi liệu rằng tính đến hết năm 2015, thành phố có hoàn thành được mục tiêu 40% tỷ lệ dân cư nông thôn được thụ hưởng nước sạch.

Trả lời câu hỏi này, Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho biết, tính tới hết năm 2014 tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 36,68%, chính vì vậy mục tiêu 40% là hoàn toàn có thể thực hiện được. Lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trạm cấp nước nông thôn dở dang, dừng hoạt động, ông Trần Xuân Việt cho rằng: Các công trình cấp nước sạch này trước đây được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (vốn Trung ương, thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp). Trong quá trình thực hiện, hầu hết tại các dự án này, nguồn vốn do huyện, xã và dân đóng góp không bố trí được. Mặt khác, công tác quản lý, vận hành, khai thác các trạm cấp nước tập trung ở các xã còn nhiều bất cập, nhiều mô hình quản lý khác nhau.

Ông Trần Xuân Việt cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm cấp nước còn dang dở, UBND thành phố giao doanh nghiệp tiếp nhận quản lý, đầu tư khai thác 15 trạm. Tuy nhiên hiện nay, việc bàn giao mặt bằng và tài sản cho doanh nghiệp còn chậm. Nguyên nhân là do đa số các dự án không có thủ tục thu hồi và giao đất, hồ sơ thiết kế hoàn công không có hoặc thất lạc dẫn tới công tác quyết toán và định giá tài sản đã đầu tư của các trạm cấp nước xây dựng dở dang còn chậm, việc hoàn thành các thủ tục pháp lý như cấp giấy chứng nhận đầu tư, ưu đãi đầu tư, giấy phép khai thác tài nguyên và đất đai của các doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc cần thời gian để giải quyết.

Cũng liên quan đến vấn đề nước sạch cho người dân, đại biểu Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm), đặt vấn đề về tiến độ thực hiện dự án cung cấp 40.000 thiết bị xử lý nước cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và chưa đủ điều kiện xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung trước năm 2020 theo quy hoạch.

Giải đáp câu hỏi này, ông Trần Xuân Việt nêu, từ năm 2012, TP đã phê duyệt dự án này, trong giai đoạn 2012-2013 và đã cung cấp được 10.000 thiết bị nhưng tới giai đoạn 2014-2015 do không bố trí được vốn nên 30.000 bộ lọc còn lại vẫn chưa tới tay đối tượng cần được cung cấp. Với giá trị mỗi bộ lọc là 4,5 triệu đồng, nhiều khả năng dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2016 nếu thành phố bố trí được vốn.

Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cũng thông tin thêm, thời gian qua, UBND thành phố đã có chỉ đạo đầu tư xây dựng 6 trạm nước sạch liên xã cho 6 khu vực được xác định là ô nhiễm nặng và dự kiến đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua mới chỉ đầu tư được 45 tỷ đồng hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư còn nguồn vốn thì 2 năm vừa qua đều chưa bố trí được.

Gợi ý phương án tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho 6 dự án này, ông Trần Xuân Việt cho biết, đang có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới các dự án này, hiện đã có doanh nghiệp đăng ký với thành phố để trực tiếp đầu tư vào các trạm nước sạch bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Theo Phó chủ tịch UBND thành phố, mỗi công trình nước sạch liên xã sẽ tiêu tốn khoảng 70-120 tỷ đồng, chính vì vậy việc xã hội hóa là rất cần thiết để giảm tải cho ngân sách thành phố.

Bài và ảnh: VŨ DUNG