Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể với báo chí về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thời gian tới.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. 

Phóng viên (PV): Quy hoạch luôn được xác định phải đi trước một bước. Bộ GTVT đã cụ thể hóa định hướng đó như thế nào với việc xây dựng các quy hoạch chuyên ngành trong thời gian qua, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi ý thức được vai trò của GTVT là đi trước mở đường, muốn như vậy phải đi trước về quy hoạch. Vì vậy, trong năm 2020 và 2021, toàn ngành GTVT tập trung hoàn chỉnh 5 quy hoạch chuyên ngành, thông qua các hội đồng, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, báo cáo hội đồng thẩm định và Thường trực Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 quy hoạch chuyên ngành của 4 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những quy hoạch chuyên ngành đầu tiên trên cả nước được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Bộ GTVT đã tổ chức công bố các quy hoạch này. Riêng với quy hoạch ngành hàng không, Thường trực Chính phủ đã họp và cho ý kiến, Bộ GTVT đã tiếp thu và trình Chính phủ, sẽ cố gắng để được phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

PV: Sau khi quy hoạch được công bố, vấn đề quan trọng nhất là quản lý và thực hiện quy hoạch. Bộ GTVT sẽ triển khai công tác này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Để triển khai các quy hoạch, hiện nay, chúng tôi đang xây dựng đề án cho từng chuyên ngành, trong đó đề xuất cơ chế đột phá cho từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực hàng hải, sẽ cố gắng triển khai cảng Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), là cảng mới để cùng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu ở khu vực phía Bắc. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai cảng Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Cái Mép Hạ (Bà Rịa-Vũng Tàu)...

Về đường bộ, phấn đấu đến năm 2025 có 3.000km, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc, hiện nay mới có gần 1.200km và hơn 900km đang triển khai. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu này cần có cơ chế huy động nguồn lực. Lĩnh vực đường thủy nội địa được xác định là lĩnh vực đột phá nhưng phát triển chưa đều, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam; phía Bắc dù nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có giải pháp vừa bảo đảm an toàn đê điều, vừa khai thác được hệ thống sông ngòi cho vận tải thủy. Lĩnh vực hàng không sẽ tập trung triển khai thành công giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sớm báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đạt công suất 100 triệu hành khách/năm, chuẩn bị để triển khai xây dựng, nâng cấp một số dự án sân bay khác.

Để thực hiện quy hoạch cần có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển các loại hình vận tải, xây dựng các công trình cảng biển, đường bộ, cảng hàng không... Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT sẽ cố gắng tối đa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

leftcenterrightdel
Thi công nút giao thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. Ảnh: TRẦN KHÁNH 

PV: Trong thời gian tới, áp lực giải ngân vốn đầu tư công của ngành GTVT rất lớn khi các dự án trọng điểm quốc gia đồng loạt triển khai. Bộ GTVT có những giải pháp nào để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong 4 năm tới, mỗi năm, ngành GTVT được giao giải ngân số vốn đầu tư công khoảng 80 nghìn tỷ đồng, đây sẽ là áp lực rất lớn. Cùng với các cơ chế, chính sách được Quốc hội, Chính phủ cho phép, Bộ GTVT xác định một số giải pháp trọng tâm, trong đó, đối với nhà thầu phải quyết liệt, nếu không bảo đảm tiến độ cam kết sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo, sau đó là cắt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh hợp đồng, cấm đấu thầu. Nhà thầu sau khi trúng thầu phải triển khai công việc nghiêm túc. Với các ban quản lý dự án, chúng tôi yêu cầu phải cam kết tiến độ, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Đặc biệt, chúng tôi thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án. Dự án nào giải ngân tốt được bổ sung vốn, dự án nào chậm sẽ điều chuyển vốn. Ban quản lý dự án nào giải ngân chậm sẽ cắt vốn để chuyển sang ban khác. Bộ GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các dự án để tháo gỡ vướng mắc, tăng cường tiến độ giải ngân.

PV: Trong điều kiện các dự án hạ tầng giao thông đều đòi hỏi tiến độ gắt gao, vấn đề bảo đảm chất lượng công trình được Bộ GTVT quan tâm như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chất lượng là yêu cầu hàng đầu. Bài học xương máu một số dự án vừa qua cho thấy, trong mọi công việc đều phải hướng đến bảo đảm chất lượng công trình. Quá trình thực hiện đều phải bảo đảm tuân thủ quy trình, từ khâu lập dự án, đấu thầu đến triển khai thi công. Các cơ quan chức năng như công an, Kiểm toán Nhà nước cũng đồng hành với Bộ GTVT trong từng khâu, từng giai đoạn để tăng cường giám sát. Hiện nay, các ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát đều được quán triệt về công tác bảo đảm chất lượng công trình.

Chúng tôi cũng tăng cường trách nhiệm của tư vấn giám sát để giám sát chặt chẽ. Nếu mốc tiến độ đặt ra có thể không hoàn thành, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, không vì vậy mà ảnh hưởng đến chất lượng. Ngành GTVT sẽ quyết tâm, nỗ lực tối đa để hoàn thành từng dự án và dứt khoát phải bảo đảm chất lượng công trình và bảo đảm tiến độ. 

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

MẠNH HƯNG (thực hiện)