Ngăn chặn tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục nhận được các câu hỏi của đại biểu về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng. Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện quy hoạch đô thị; tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư; việc triển khai các dự án du lịch tâm linh…
Liên quan tới tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, một số đại biểu nêu thực tế hiện nay, có những chủ đầu tư năng lực tài chính, năng lực chuyên môn kém nhưng vẫn được chấp thuận cho phép thực hiện các dự án chung cư. Vì thế, khi được giao quản lý quỹ bảo trì họ thường chây ỳ, không bàn giao lại cho ban quản trị mà chiếm dụng, sử dụng vào việc khác. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) nêu câu hỏi: Thời gian qua, Thanh tra xây dựng đã phát hiện ra hiện tượng lạm dụng quỹ bảo trì chung cư hay chưa? Trách nhiệm của thanh tra và Bộ Xây dựng cụ thể thế nào? Còn đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, có việc chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng và đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại vấn đề này.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, việc chiếm dụng phần diện tích sử dụng chung, thanh tra Bộ Xây dựng và thanh tra địa phương đã biết, đã tham mưu để trình Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính của chủ đầu tư khi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích phần diện tích chung của nhà chung cư. Theo đó, ngoài xử phạt bằng tiền còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo dự án được duyệt.
Liên quan tới quỹ bảo trì chung cư, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin, qua thanh tra chưa phát hiện trường hợp lạm dụng quỹ bảo trì chung cư. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư, phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,3 tỷ đồng, yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với 11 chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao, hoặc bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị. Hiện nay, các địa phương chưa chuyển vụ việc nào về lạm dụng quỹ bảo trì chung cư sang cơ quan điều tra.
Chưa đồng tình với câu trả lời trên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) tiếp tục tranh luận và nhấn mạnh hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Việc thanh tra không phát hiện ra là do năng lực yếu hoặc không làm hết trách nhiệm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận lại vấn đề này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Với vấn đề quy hoạch đô thị, nhiều ĐBQH đã "truy" Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về việc thay đổi quy hoạch chi tiết, quy hoạch cục bộ một cách tùy tiện, thay đổi nhiều lần ở các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp và thu hẹp lợi ích cộng đồng, quyền lợi của người dân. Các ĐBQH đề nghị bộ trưởng cho biết bên cạnh trách nhiệm của địa phương, Bộ Xây dựng có trách nhiệm gì khi để xảy ra tồn tại này?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết hiện tại khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện các giải pháp: Nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch; kiểm soát thực hiện dự án đầu tư đúng quy hoạch; tăng cường tuyên truyền, công bố về quy định pháp luật, quy hoạch để người dân biết và tiến hành giám sát; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.
 |
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: HOÀNG QUỲNH.
|
Công khai, minh bạch thu phí tại dự án BOT
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực GTVT. Tình trạng nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ, đội vốn được các ĐBQH nêu cụ thể. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) đặt vấn đề, hiện nay các dự án của ngành GTVT có nhiều tồn tại, trong đó có vấn đề chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém, việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân như thế nào?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, vừa qua Bộ GTVT đã thanh tra tất cả những dự án có phản ánh về chất lượng. Cùng với thanh tra các bộ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng đang tiến hành xử lý. Với những công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan, như: Giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời... thì kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn những dự án thuộc trách nhiệm chủ quan của các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, Bộ GTVT xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ qua cơ quan công an.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các dự án đội vốn đa số rơi vào dự án đường sắt đô thị do ảnh hưởng của yếu tố trượt giá, công nghệ mới, thay đổi quy mô. “Tuy nhiên, chúng tôi cùng cơ quan chức năng, cơ quan điều tra đã vào cuộc để kiểm tra tất cả dự án đội vốn. Những cá nhân, tổ chức nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm của bộ, đã điều chuyển một số giám đốc ban quản lý dự án và kiểm điểm cuối năm khi xếp loại cán bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), dù đã hoàn thành 99% nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa thể vận hành chính thức, trong đó có nguyên nhân do năng lực của bộ máy quản lý dự án còn hạn chế, nhà thầu chưa chuyên nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thiết bị của dự án đã cung cấp 99%, 1% còn lại là những hạng mục nhỏ, đặc biệt phải chứng minh được an toàn hệ thống. Bộ GTVT đã thuê một đơn vị tư vấn nước ngoài đánh giá an toàn hệ thống, nếu cung cấp thông tin của tổng thầu không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua được phương án an toàn. Theo quy định, phải chứng nhận được tất cả thiết bị của dự án bảo đảm an toàn hệ thống thì mới có thể vận hành thương mại. Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cùng với các đơn vị có liên quan sớm hoàn thành các công việc để vận hành thương mại đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Một số ĐBQH đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT nêu rõ các giải pháp để công khai, minh bạch việc thu phí tại dự án BOT giao thông. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trước hết cần công khai, minh bạch chi phí đầu vào thông qua quyết toán các dự án. Hiện nay, đã quyết toán được 62 dự án BOT, trong đó đã kiểm toán và quyết toán công tác xây dựng, còn lại là chi phí liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đối với công tác thu phí, cần phải giám sát chặt chẽ để bảo đảm số tiền người dân nộp đúng như chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra. Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát việc thu phí của các trạm BOT. Đồng thời, khi tất cả dự án thu phí tự động không dừng đi vào hoạt động, sẽ có thêm giải pháp để giám sát thu phí. Có thể kết nối số liệu của từng trạm thu phí với cơ quan chức năng để giám sát, toàn bộ hoạt động thu phí các trạm BOT sẽ được báo cáo tự động. Hạn cuối cùng là ngày 31-12-2019, tất cả trạm thu phí đang hoạt động sẽ phải thu phí tự động không dừng.
Khắc phục lỏng lẻo, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết giải pháp để kiểm soát xe quá khổ, quá tải hoạt động làm công trình giao thông xuống cấp nhanh, hư hỏng nhiều. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng này có trách nhiệm của bộ, đồng thời, cần sự phối hợp của chính quyền địa phương. Sau khi đăng ký, đăng kiểm, có một số chủ phương tiện cơi nới kích thước thùng xe dẫn đến xe quá khổ, quá tải. Bộ GTVT đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra để xử lý nghiêm phương tiện vi phạm. Hiện nay, xe quá khổ, quá tải tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nông thôn, đường tỉnh, đường huyện. Bộ GTVT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, công an các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát ở các khu vực thường xuyên nhận được thông tin phản ánh về hoạt động của các phương tiện này.
Các ĐBQH cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định, sử dụng ma túy gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân do đào tạo, sát hạch cấp giấp phép lái xe còn lỏng lẻo, tiêu cực. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ nghiên cứu để sửa đổi một số quy định về cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, ví như tăng cường giám sát giờ học của học viên, tăng thời gian tập trên đường, tăng độ khó của các đề thi và đưa ra một số tình huống có thể đánh trượt ngay khi thi sát hạch. “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch lái xe để đáp ứng yêu cầu mỗi lái xe sau khi được nhận giấy phép có thể điều khiển phương tiện tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thống kê cho thấy, những tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra với lái xe có thâm niên từ 8 đến 10 năm. Để xử lý vấn đề này, phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp và lái xe, tăng mức hình phạt nếu lái xe vi phạm điều cấm như sử dụng ma túy hoặc sử dụng bia, rượu quá nồng độ cồn cho phép.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu thực trạng có sự chênh lệch lớn về thực hiện nghĩa vụ thuế giữa taxi công nghệ như Grab với doanh nghiệp taxi truyền thống và đặt câu hỏi về giải pháp quản lý được taxi công nghệ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với taxi truyền thống. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi sơ kết thí điểm xe dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ, Bộ GTVT đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 86/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Bộ GTVT đã nhiều lần trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86 và đang thống nhất với các bộ, hiệp hội, cơ quan liên quan; đến nay, cơ bản nhận được đồng thuận cao. Khi nghị định sửa đổi được ban hành, taxi công nghệ và taxi truyền thống sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng, taxi truyền thống cũng được lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành GTVT là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cũng như các dự án đang dở dang, các dự án đối tác công-tư (PPP). Đồng thời, cần đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. “Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải là những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, có uy tín được kiểm chứng”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn để cơ bản hoàn thành các dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Bắc Giang-Lạng Sơn vào năm 2020, sớm đưa vào vận hành thương mại dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, hoàn thành cải tạo nâng cấp các tuyến vận tải thủy nội địa đã có vốn như tuyến kênh Chợ Gạo, giải quyết nút thắt giao thông đường thủy cho Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung giải quyết những tồn tại, bất cập trong các dự án BOT giao thông, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Kiên quyết không đầu tư những dự án mới tại các tuyến đường độc đạo.
Du lịch Việt Nam tiềm năng lớn những sức cạnh tranh còn yếu
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực VHTT&DL. Các ĐBQH đặt nhiều câu hỏi về giải pháp phát triển du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh của đất nước, đồng thời, coi trọng công tác bảo tồn di sản, văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam được xếp thứ hạng cao về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, tuy nhiên năng lực cạnh tranh còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Trong đó, nước ta còn hạn chế về hạ tầng du lịch, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, mức độ mở cửa quốc tế, cấp thị thực... Về giải pháp để khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam, đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cần phải đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại các thị trường quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư cho hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch.
Một vấn đề khác đặt ra với ngành du lịch là phải phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá vỡ di sản văn hóa. “Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Không thể hy sinh di sản vì tăng trưởng. Trong quá trình phát triển kinh tế phải luôn chú ý đến bảo tồn di sản”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận thực trạng tour du lịch giá rẻ, tour 0 đồng đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch. Giải pháp trước hết là các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý người tổ chức tour, hướng dẫn viên thực hiện. Cùng với đó là nhiều giải pháp đồng bộ, phối hợp với ngành công thương, lao động-thương binh-xã hội, lực lượng công an để quản lý những hoạt động liên quan đến tour giá rẻ, như các cửa hàng mua sắm, khách sạn, nhà hàng...
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng trả lời các câu hỏi của ĐBQH liên quan đến vấn đề du lịch tâm linh, quản lý lễ hội, hạn chế biến tướng của hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, mê tín, dị đoan...
Hôm nay (6-6), buổi sáng, Quốc hội tiếp tục làm việc về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về hai dự án luật này.
MẠNH HƯNG - VŨ DUNG