Hiện, diện tích trồng cây chôm chôm Thái trên địa bàn đạt gần 50ha. Với hy vọng được mùa, được giá, cây chôm chôm thực sự trở thành cây thoát nghèo bền vững của bà con nơi đây.

Người dân thôn 6 (Ia Tô) thu hoạch chôm chôm.

Mùa này lên vùng biên giới, hai bên trục Tỉnh lộ 66 từ thị trấn Ia Kha lên đến xã Ia Tô (Ia Grai), người dân địa phương bày bán rất nhiều trái chôm chôm. Chôm chôm hái tại vườn, trái tươi, màu sắc đẹp, mọng nước, rất ngọt nên ai cũng thích. "Bán cho bộ đội mình lấy giá rẻ thôi", chị Lê Thị Hương, 45 tuổi, trú tại Ia Tô cười vui rồi chia sẻ: “Nói chôm chôm ở vùng biên giới nhưng các vườn cây tập trung ở thôn 6, xã Ia Tô là nhiều nhất. Vùng đất này đá sỏi nhưng rất thích hợp với cây chôm chôm, nhất là cây chôm chôm Thái. Nắng, mưa thế nào cũng chịu được. Năm nào nắng nóng, gió bụi nhiều, y rằng năm đó trái chôm chôm rất ngọt. Vườn chôm chôm của nhà tôi đã trồng gần 20 năm, chỉ có hơn 50 gốc nhưng một năm cũng thu về được hơn 300 triệu đồng. Trung bình, một cây trong vườn có thể thu về khoảng 300kg, mỗi ki-lô-gam có giá 22.000-25.000 đồng. Đặc biệt, chôm chôm ở đây không bao giờ bị ế như một số loại cây trồng khác. Đến mùa, thương lái từ khắp nơi vào tận vườn thu mua. Do đó, vườn cây của gia đình tôi cũng như các hộ trong thôn luôn có đầu ra ổn định, thậm chí “cháy hàng” vào cuối mùa”.

Trước đây, vùng đất thuộc xã Ia Tô chủ yếu trồng cà phê. Tuy nhiên, sau một thời gian cây cà phê già đi, năng suất kém, giá lại bấp bênh, nhiều năm bị lỗ nên người dân chuyển sang trồng xen cây chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài... Trong số này, chỉ cây chôm chôm thích hợp, phát triển tốt nên chính quyền địa phương khuyến khích người dân trồng xen loại cây này để phát triển kinh tế. Trên 1ha đất, người dân trồng được khoảng 100 cây chôm chôm Thái. Giống cây được mua từ Đồng Nai, trồng khoảng 3 năm thì cho thu hoạch. Tuổi thọ trung bình mỗi cây kéo dài khoảng 30 năm. So với các loại cây công nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu... thì chôm chôm dễ chăm hơn, tiết kiệm công lao động, chi phí đầu tư thấp. Thông thường, mỗi năm cắt tỉa cành cho cây hai lần sau khi thu hoạch và trước lúc ra hoa. Trung bình 1ha sẽ cho thu hoạch khoảng 30 tấn/năm và thu nhập của bà con khoảng 600 triệu đồng/năm từ cây chôm chôm này. Đến nay, 1ha chôm chôm bà con canh tác mang lại hiệu quả kinh tế gấp từ 1,5 đến 2 lần cây cà phê. 

Ông Nguyễn Chí Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tô cho biết: "Hiện chưa có quy hoạch nên việc phát triển cây chôm chôm vẫn mang tính tự phát. Vì thế, giá thành quả chôm chôm cũng không ổn định. Chính vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Ia Grai định hướng thành lập hợp tác xã chôm chôm. Chính quyền địa phương đã đăng ký thương hiệu "chôm chôm Ia Tô”.

Trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng công nhận thương hiệu, các nhà vườn phải tuân thủ quy định về chất lượng sản phẩm để bảo đảm đầu ra ổn định và có thể đem đi quảng bá, cạnh tranh hiệu quả với các loại trái cây đặc sản khác. Chính quyền còn khuyến khích người dân mở rộng diện tích ở những vùng đất cho phép, đồng thời chăm sóc đúng quy trình, sử dụng đúng liều lượng các loại hóa chất, phân bón hóa học nhằm tạo ra sản phẩm sạch thu hút người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với những thành quả ban đầu, sau 20 năm bén rễ trên vùng biên giới Ia Grai, cây chôm chôm Ia Tô thực sự trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân vùng biên giới không những thoát nghèo mà nhiều người đã vươn lên trở thành “tỷ phú vườn” như anh Nguyễn Văn Duy (44 tuổi) ở thôn 6 (Ia Tô), mỗi năm thu nhập từ cây chôm chôm  hơn 1 tỷ đồng; anh Nguyễn Văn Tự, bà Hồ Thị Tâm, Nguyễn Thị Tường… (cùng ở thôn 6, Ia Tô), mỗi năm cũng thu về từ 300 đến 700 triệu đồng.

Từ những vườn cây nhỏ lẻ xen canh, đến nay, diện tích cây chôm chôm Ia Tô đã được mở rộng, có chỗ đứng ổn định và trở thành đặc sản của địa phương. Chính quyền địa phương, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã nghiên cứu, nhân rộng, tiếp tục vận động người dân trồng theo kế hoạch, quản lý chặt chẽ vườn cây, kiên quyết không để người dân trồng chôm chôm theo kiểu tự phát như trồng cao su, hồ tiêu trước đây.

 Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI