QĐND - Trong bữa cơm tối, bác tôi thở dài bảo: "Bây giờ đúng là nhiều chiêu trò xin tiền kiểu mới. Không áo quần rách rưới, không hóa trang xấu xí, đáng thương mà các “cái bang” mới này bày những màn kịch để đánh vào lòng hảo tâm của người khác".

Bác kể: "Chiều tối hôm trước, khi bác vừa rời khỏi cửa hàng trên phố Nguyễn Biểu (Hà Nội), thì có cậu thanh niên đang ra sức dắt chiếc xe máy tiến tới bảo: "Bác ơi, xe cháu hết xăng mà cháu lại quên không mang theo tiền. Bác làm ơn cho cháu xin mấy nghìn để đổ xăng". Thấy người thanh niên ăn mặc chỉn chu, nói năng lễ phép, trời lại tối kèm  mưa ướt nhớp nháp, nghĩ cậu ta cũng như con cháu mình nên bác thương tình cho 30.000 đồng để đổ xăng. Bác chỉ nghĩ đơn giản, nếu con cháu mình rơi vào  hoàn cảnh này mà được người khác giúp đỡ thì vui biết chừng nào".

Thế nhưng, lòng thương người của bác tôi đã bị... phụ bạc. Một lát sau, bác tôi phải đi ra phố mua thêm đồ ăn, thì lại thấy cậu thanh niên ấy diễn nguyên “bài cũ” với một người đi đường khác...

Tôi đem câu chuyện trên kể với mấy người bạn, họ đều bảo: Những chiêu trò lừa tiền như đóng giả người đi đường bị kẻ gian lấy hết tiền, vừa ra viện nhưng hết tiền về quê, không có tiền đổ xăng, thậm chí có những "cái bang" còn mặc cả quần áo bộ đội (đóng giả là cựu chiến binh) để lừa người hảo tâm, đã xuất hiện khá lâu. Không ít người từng là nạn nhân của những “màn kịch” ấy.

Số tiền bỏ ra tuy không lớn, nhưng khi biết lòng tốt của mình bị lợi dụng, những ai từng bị lừa đều rất ấm ức. Điều đáng buồn hơn là sau này sẽ nảy sinh tâm lý nghi ngại, đắn đo, thậm chí "ngoảnh mặt làm ngơ" khi gặp một người nào đó đang thực sự cần được giúp đỡ, sẻ chia. Ai cũng có lúc khó khăn, cơ nhỡ, thậm chí phải cậy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, những "cái bang" rất cần được các lực lượng chức năng "chỉ mặt, đặt tên", tránh để tình thương, lòng nhân ái bị lợi dụng.

NAM TRỰC