Tuy nhiên, để tránh xung đột về lợi ích, về thị trường giữa dịch vụ vận tải hành khách truyền thống và nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ, cần có những giải pháp căn cơ và hướng xử lý phù hợp.                  

Định danh cho taxi công nghệ

Hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ có sử dụng phần mềm như Grab, GoViet cùng một số đơn vị tham gia được nhiều người dân hưởng ứng do tính thuận tiện, giá cả đa dạng. Dẫu vậy, mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ cũng bộc lộ một số bất cập liên quan đến thuế, bảo vệ người tiêu dùng, người lao động. 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để có thể quản lý được các doanh nghiệp vận tải sử dụng nền tảng công nghệ thì điều cốt yếu là phải định danh được những doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, taxi công nghệ được coi là hoạt động vận tải hay chỉ là dịch vụ công nghệ vẫn chưa được xác định. 

leftcenterrightdel
Hãng Taxi Group hoạt động tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích: "Mô hình đặt xe công nghệ là hoạt động kinh doanh rất mới và không đơn giản. Loại xe này không đơn thuần chỉ là hoạt động của một hãng đăng ký để chở hành khách như taxi truyền thống mà kết nối bởi rất nhiều yếu tố và chủ thế khác nhau. Do đó, việc định danh taxi công nghệ đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan, trong đó bao gồm cả Bộ Công Thương". 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để định danh taxi công nghệ, cần dựa vào hai đối tượng là người chạy xe và xe. Ví dụ, Grab là công ty cung ứng về công nghệ và người chạy xe Grab là người cung cấp dịch vụ. Theo đó, Grab không phải là công ty vận tải, bản thân Grab không có xe, không có người lao động. Họ cung ứng công nghệ để tài xế sử dụng công cụ đó đón khách. Chính vì thế, không thể coi Grab là một công ty vận tải mà là doanh nghiệp công nghệ, làm nhiệm vụ môi giới. Trong khi đó, ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, lại cho rằng: "Đọc quy chế hoạt động của Grab cho thấy họ vẫn nghiêng về cung cấp dịch vụ giống như đề án thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Grab giống như một đơn vị trung gian nhưng tham gia như một đơn vị vận tải thực thụ, có nhận khách, trả khách và thu tiền. Vì thế, tôi cho rằng đây là doanh nghiệp trung gian có hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp bổ trợ”.

Cần công bằng cho taxi truyền thống

Song song với việc định danh taxi công nghệ, Nhà nước cũng cần tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh bình đẳng, cùng nhau phát triển. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến thống nhất, nhà quản lý là cần làm thế nào để giảm bớt những quy định không còn phù hợp với taxi truyền thống, cùng với đó tránh tình trạng không quản lý được thì "đeo đá" vào doanh nghiệp gọi xe bằng công nghệ.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), GS, TS Từ Sỹ Sùa, nguyên Trưởng bộ môn vận tải đường bộ và thành phố, Đại học GTVT chia sẻ: “Phải phát triển bền vững taxi công nghệ và taxi truyền thống chung sống hòa bình với nhau bằng cách cởi trói cho taxi công nghệ và truyền thống khỏi các điều kiện kinh doanh quá khắt khe hiện nay. Một số điều kiện kinh doanh trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quá ngặt nghèo đối với taxi truyền thống”. Ông dẫn chứng, vấn đề đồng hồ điện tử trên taxi không nên khắt khe với taxi truyền thống. Nếu có thể, taxi truyền thống cũng cần ứng dụng phần mềm để báo giá luôn cho khách hàng giống như là taxi công nghệ hiện nay, tránh hiện tượng vòng vo mua đường. Các doanh nghiệp taxi truyền thống muốn thu hút khách hàng, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp cần đổi mới dịch vụ, chiến lược kinh doanh, ứng dụng công nghệ.

Để hài hòa lợi ích giữa hai loại hình kinh doanh này, nhiều chuyên gia thống nhất, trước hết, Bộ GTVT cần tổng kết việc thực hiện Quyết định số 24/QĐ-BGTVT về thí điểm ứng dụng khoa học-công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đồng thời, cần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó phải bổ sung một loại hình mới là taxi công nghệ. Cùng với đó, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng rút bớt điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo đà cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải phát triển. Ngoài ra, muốn bảo vệ tính cạnh tranh, taxi công nghệ phải theo quy định chung về vấn đề thuế, an ninh, bảo hiểm cho người tiêu dùng. Nếu tạo được một sân chơi có lợi cho Grab mà bất lợi cho taxi truyền thống thì đó là vi phạm cạnh tranh tự do trên thị trường.

Câu chuyện quản lý hoạt động taxi truyền thống và taxi công nghệ là vấn đề không của riêng Việt Nam, đây cũng là bài toán khó đối với những nền kinh tế thị trường, như: Singapore, Mỹ, Liên minh châu Âu... Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp quản lý hiệu quả dịch vụ chia sẻ xe ô tô, mang lại lợi ích cho xã hội. Chính vì thế, chúng ta cần chủ động tìm hiểu, tổng kết kinh nghiệm của các nước. Trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng chính sách, quy định phù hợp.

 Bài và ảnh: TRÀ MY