Thiếu sự liên kết chặt chẽ 

Tháng 4-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ÐBSCL giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 593/QÐ-TTg). Theo đó, 3 nội dung liên kết được xác định là: Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, trái cây), bảo đảm cung-cầu, tham gia vào chuỗi nông sản toàn cầu với lợi thế cạnh tranh nhất; liên kết phát triển hạ tầng giao thông và liên kết phát triển hạ tầng thủy lợi. Mục tiêu liên kết nhằm khai thác cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển KT-XH nhanh, bền vững.

Tìm hiểu thực tế tại các địa phương, được biết hầu hết các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều xây dựng chương trình, dự án thực hiện quy chế. Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề liên kết vẫn chưa thật sự được triển khai. Nhiều nội dung liên kết chỉ dừng lại ở việc ký kết biên bản “ghi nhớ” hợp tác giữa các bên.

Vấn đề liên kết để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay được cho là còn chậm, kết quả thực hiện rất hạn chế. Trong ảnh: Cầu Cần Thơ kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi quy chế thí điểm được Thủ tướng Chính phủ ban hành, 3 tỉnh đầu tiên chính thức ký liên kết là Ðồng Tháp, Tiền Giang và Long An (tháng 9-2016). Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Các địa phương và đơn vị tư vấn (Trường Đại học Cần Thơ) đã tiến hành xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Những lĩnh vực liên kết gồm: Phát triển ngành hàng nông sản chủ lực và tiềm năng; hệ thống hạ tầng giao thông-vận tải và dịch vụ hậu cần; quản lý tài nguyên nước, đa dạng sinh học... Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai đề án vẫn còn gặp không ít khó khăn”.

Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thì, nhìn bao quát và toàn diện, vấn đề liên kết vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong công tác phối hợp, điều hành, phân định chức năng, nhiệm vụ và cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện liên kết. Bên cạnh đó, sự quan tâm, tham gia của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế do chưa nhận thức được các lợi ích khi tham gia hoạt động liên kết; các địa phương cũng chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động liên kết nên chưa thể tác động lớn đến các đối tượng này.

Quy định cụ thể hoạt động liên kết 

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện nay ở ĐBSCL vẫn tồn tại một số ngành, lĩnh vực của từng địa phương phát triển theo hướng riêng lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong toàn vùng. Việc triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển vùng.

Xét về cơ cấu kinh tế, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nhìn chung đều có cơ cấu kinh tế tương tự nhau, chưa phát huy tốt lợi thế so sánh nên việc đầu tư còn trùng lắp, dàn trải, không gian kinh tế vùng bị chia cắt, xuất hiện một số “xung đột lợi ích” trong ưu tiên phát triển giữa các địa phương. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng như phát triển các sản phẩm chủ lực vùng chưa được liên kết tốt dẫn đến các địa phương có sự cạnh tranh lẫn nhau, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, ĐBSCL chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích tập thể giữa các bên liên quan. Đối với một số vấn đề mang tính vùng hoặc liên tỉnh, như điều tiết và chia sẻ nguồn nước hay xây dựng kết cấu hạ tầng, các địa phương thiếu một cơ chế để cùng bàn bạc và thảo luận một cách thấu đáo và thuận tiện.

Để các địa phương vùng ĐBSCL liên kết phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới, ông Cao Văn Trọng đề xuất: "Hoạt động liên kết cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, phải tạo lập hành lang pháp lý vững chắc với đầy đủ các quy định, hướng dẫn, đặc biệt là đối với vấn đề phân bổ, chia sẻ ngân sách cho liên kết vùng hoặc tiểu vùng. ĐBSCL cần sớm hình thành cơ quan chuyên trách quản lý, điều phối chung trên cơ sở cân đối lợi ích giữa các địa phương trong liên kết vùng. Cơ quan này giữ vai trò “nhạc trưởng” để chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển dựa trên thế mạnh của từng tỉnh và có liên kết, hỗ trợ nhau".

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, sau khi rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng ĐBSCL, Bộ KH&ĐT đề xuất lên Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng. Hội đồng sẽ do một Phó thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các liên kết; đồng thời tháo gỡ, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong điều phối vùng. Vì hội đồng vùng không phải một cấp hành chính nên không tạo ra gánh nặng ngân sách cho Nhà nước; lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành và địa phương giải quyết các vấn đề của vùng nên có sự kết nối tốt hơn, từ đó có giải pháp xử lý và khuyến nghị kịp thời đối với các vấn đề của vùng.

HỒNG ĐĂNG