QĐND - Nước biển dâng, xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng cao, ngập lụt, hạn hán, giông lốc, sạt lở bờ sông và bờ biển… là những biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm gần đây. Các chuyên gia và nhà khoa học nhận định, BĐKH ở ĐBSCL đang ngày càng hiện hữu, diễn biến nghiêm trọng và đến sớm hơn dự báo…

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu

ĐBSCL đã bước vào mùa mưa, nhưng những cơn mưa đầu mùa không thể làm dịu bớt “cơn khát” nước ngọt sinh hoạt của hơn 2.000 hộ dân xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Nam Thái A than vãn: “Tôi sống hơn 60 năm tại đây, nhưng chưa thấy năm nào bà con phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt gay gắt như năm nay. Trên sông, trên đồng, trong các ao đìa, chỗ thì cạn khô, chỗ thì nước bị nhiễm mặn”. Ông Nguyễn Việt Bình, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Không riêng xã Nam Thái A, người dân nhiều xã khác trên địa bàn huyện An Biên cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Bà con không thể khoan giếng bơm vì nước biển đã xâm nhập sâu vào lòng đất. Có thời điểm, nước ngọt từ nơi khác chở đến được bán với giá gần 100.000 đồng/khối, không phải ai cũng có tiền mua.

Hồ Xáng Thổi, một trong những công trình thích ứng với biến đổi khí hậu của TP Cần Thơ.

Mùa khô vừa qua, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt do xâm nhập mặn còn xảy ra ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang... Xâm nhập mặn không chỉ tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, sản xuất của người dân. Theo Đài Khí tượng-Thủy văn khu vực Nam Bộ, tại các địa phương trên, nhiều nơi nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 đến 60km, độ mặn cũng cao hơn những năm trước, khiến hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại. Đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư gần 25 tỷ đồng để nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng; tỉnh Bạc Liêu cũng đầu tư hơn 83 tỷ đồng thi công hơn 300 công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng.

Do ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH, từ đầu năm đến nay, tại khu vực ĐBSCL cũng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, lốc xoáy bất thường. Theo thống kê của Phòng Cứu hộ-Cứu nạn Quân khu 9, tính đến đầu tháng 7-2015, trên địa bàn xảy ra hơn 30 vụ sạt lở, 17 vụ lốc xoáy, gây thiệt hại gần 400 căn nhà (sập, tốc mái), hơn 42.820m2 đất bị cuốn trôi. Khảo sát mới đây của Cục Phòng, chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi) cho thấy, hầu hết bờ biển của ĐBSCL đều bị xói lở do nước biển dâng, triều cường với nhiều mức độ khác nhau, trong đó những đoạn bờ biển có tốc độ xói lở mạnh (từ 30m đến 100m/năm) là Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang); Hiệp Thạnh, Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh); Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu)… 

Cần giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá

Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng BĐKH thành phố Cần Thơ cho rằng, nguồn gốc của BĐKH đã có từ hàng chục năm trước và tác hại của nó kéo dài hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Đây là vấn đề “nóng” và sẽ gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho dân cư khu vực ĐBSCL. BĐKH không còn là “kịch bản” hay dự báo nữa, mà thực tế đã tác động rõ nét, sâu sắc đến ĐBSCL. Đây là vấn đề cấp bách, cần có giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động, dự án ứng phó với BĐKH có liên quan đến vùng ĐBSCL, trong đó có 17 dự án ưu tiên dành cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã được phê duyệt. Các dự án tập trung vào việc củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê, kè sông, kè biển, hệ thống công trình thủy lợi, nhằm điều tiết lũ, ngăn mặn, giữ ngọt… PGS, TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL nêu quan điểm: Quy hoạch tổng thể thủy lợi thích ứng đối với BĐKH rất quan trọng, đặc biệt phải tính đến đa mục tiêu (xả lũ, cung cấp nước ngọt, ngăn mặn, đáp ứng phát triển các ngành nghề), liên vùng, liên quốc gia trong phân bổ, sử dụng nước.

Theo ông Trần Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH, nhất là những năm gần đây các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân. Công tác ứng phó với BĐKH luôn được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ quan tâm, lồng ghép trong các chương trình, dự án hoạt động của vùng, đặc biệt là trong các diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã có những chuyến công tác nhằm tham khảo kinh nghiệm, mô hình hoạt động ứng phó BĐKH của các nước trên thế giới và đề xuất sự hợp tác, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đều đã xây dựng và ban hành khung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Triển khai nhiều công trình hạ tầng, trồng rừng phòng hộ ven biển, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH.

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, các nỗ lực ứng phó với BĐKH ở các địa phương vùng ĐBSCL chỉ mới bước đầu, mang tính đối phó với những rủi ro thời tiết ở tầm ngắn hạn (từ 3 đến 5 năm). Vì thế về lâu dài, ở tầm trung hạn (5 đến 10 năm) và dài hạn (trên 10 đến 30 năm), ĐBSCL rất cần có kế hoạch và hành động ứng phó mang tính đột phá, cơ bản, lâu dài.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU – DIỄM TRANG