QĐND - LTS: Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mọi hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính của Việt Nam đều bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Thu giảm nhưng chi NSNN lại tăng do công tác phòng, chống dịch (PCD) được thực hiện trên quy mô lớn.
Do vậy, vừa bảo đảm nguồn thu trên nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, vừa điều tiết các khoản chi để không gây áp lực quá lớn lên NSNN; đồng thời đáp ứng kịp thời cho các hoạt động chi ngân sách theo dự toán là nhiệm vụ kép vô cùng khó khăn của ngành tài chính. Tuy nhiên đến nay, ngành tài chính đang vượt qua mọi khó khăn ấy để hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, Chính phủ đã nhận định, tài chính-ngân sách là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của nước ta trong năm 2020.
Bài 1: Sự khéo léo của “người giữ tay hòm chìa khóa”
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu NSNN năm 2020 chỉ đạt 98% dự toán. Tuy nhiên, nhu cầu chi từ NSNN lại rất lớn để đáp ứng công tác PCD và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Với sự khéo léo của “người giữ tay hòm chìa khóa” quốc gia, ngành tài chính đã đáp ứng được hài hòa ở tất cả hoạt động thu-chi NSNN...
Nguồn thu ngày càng giảm
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp, mô hình hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, giảm doanh thu hoặc không có doanh thu, trong khi các khoản chi vẫn bắt buộc phải thực hiện, dẫn tới thua lỗ nặng.
 |
Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) có rất nhiều nỗ lực vượt khó khăn do dịch Covid-19 để duy trì sản xuất, đóng góp cho ngân sách nhà nước. |
Bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Việt Nam Number One nhận định: Đại dịch Covid-19 tác động chưa từng có đối với nhiều doanh nghiệp. Các quy định cách ly và giãn cách xã hội khiến các cửa hàng phải đóng cửa, số lượng khách hàng giảm, hợp đồng có thể bị chấm dứt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phát sinh các chi phí thường xuyên như tiền thuê mặt bằng, tiền điện, tiền nước, tiền lương... Những khó khăn về dòng tiền không chỉ ảnh hướng đến một doanh nghiệp mà còn có tác động dây chuyền tới các doanh nghiệp liên quan.
Theo báo cáo từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 5-2021 ghi nhận có 4.892 doanh nghiệp trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu ở lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo giảm 27,7%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 25%; khai khoáng giảm 17,3%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 16,7%. Có 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020; 4.234 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 37,3%; 1.279 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 33%. Doanh nghiệp, cơ sở SXKD thua lỗ nên nguồn thu NSNN bị suy giảm theo.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Trước tình hình các doanh nghiệp, cơ sở SXKD gặp khó khăn, mặc dù nguồn thu NSNN bị suy giảm nghiêm trọng nhưng Bộ Tài chính vẫn chủ động đề xuất các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Năm 2020, với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản, chính sách gia hạn, miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, tiền thuê đất cho các cơ sở SXKD. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Năm 2020, nước ta đã gia hạn 111.000 tỷ đồng tiền thuế cho 180.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.
Trao đổi với chúng tôi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: "Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế; thực hiện cắt giảm 29 nhóm phí, lệ phí giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn trong đại dịch. Riêng số tiền thuế, tiền thuê đất dự kiến được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP khoảng 115.000 tỷ đồng. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động SXKD".
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, các chính sách hỗ trợ thông qua việc miễn giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất đã giúp doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Các chính sách hỗ trợ thông qua giãn, giảm các loại thuế, tiền thuê đất là giải pháp rất quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Cụ thể, trong năm 2020, Hapro đã được giảm hơn 1 tỷ đồng tiền thuê đất, đồng thời được gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế khác.
Áp lực chi đè nặng
Trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm, áp lực chi lên NSNN trong thời gian qua lại vô cùng lớn. Bên cạnh các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển như thường lệ, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, NSNN đã phải gánh thêm nhiều khoản chi rất lớn.
 |
Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam thời gian qua nhận được sự hỗ trợ rất quan trọng từ các chính sách miễn, giảm thuế, phí của Nhà nước. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, năm 2020, NSNN đã chi hơn 18,1 nghìn tỷ đồng theo các nghị quyết của Chính phủ cho công tác PCD và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Ngân sách Trung ương sử dụng nguồn dự phòng hơn 4,6 nghìn tỷ đồng chi khắc phục hậu quả lũ lụt, dịch tả lợn châu Phi và khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Các địa phương đã sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn lực tại chỗ chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2021, NSNN đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6-2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác PCD Covid-19 (mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia PCD); 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42, Nghị quyết 154 của Chính phủ.
Thu ngân sách nhà nước thành công hơn mong đợi
Mặc dù gặp áp lực lớn nhưng với sự khéo léo của “người giữ tay hòm chìa khóa”, ngành tài chính đã vượt qua khó khăn, thực hiện thành công nhiệm vụ kép, đưa tài chính-ngân sách thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cảnh thời gian qua, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-NSNN năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 (diễn ra vào tháng 1-2021), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đánh giá, ngành tài chính đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tài chính, NSNN trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với Covid-19, khắc phục thiên tai, ổn định SXKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế. Thu NSNN cả năm 2020 đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép. Cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP.
Năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781.000 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cả nước có 60/63 địa phương bảo đảm tiến độ dự toán thu nội địa (đạt hơn 50%), trong đó, 48 địa phương đạt hơn 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó, một số địa phương có mức tăng trưởng thu hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Kinh tế tăng trưởng chậm hơn kế hoạch, doanh nghiệp và các mô hình kinh tế hầu hết đều lâm vào tình trạng khó khăn. Nguồn thu NSNN vì vậy bị suy giảm. Tuy nhiên, không vì nguồn thu NSNN gặp khó mà ngành tài chính tìm cách tăng thu NSNN bằng mọi giá, trái lại còn tham mưu ban hành và thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, dẫn tới nguồn thu NSNN lại càng khó khăn hơn. Với sự nỗ lực vượt bậc, ngành tài chính đã vượt qua khó khăn, NSNN vẫn bảo đảm được các khoản chi rất cần thiết, đặc biệt là chi PCD và khắc phục hậu quả thiên tai. Đó là thành tích rất đáng ghi nhận của ngành tài chính. Thành tích ấy đã góp phần rất lớn vào thành tựu chung về kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn cả thế giới phải lao đao vì dịch Covid-19.
(còn nữa)
NHÓM PV PHÒNG BT KT-XH-NC