QĐND - Để nhường chỗ cho công trình Thủy điện Bản Vẽ, hàng ngàn hộ dân của 5 xã thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã được di chuyển về nơi tái định cư và có cuộc sống tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau thời gian hồ thủy điện tích nước, đường giao thông vào một số bản không nằm trong diện di dời đã bị chìm trong biển nước. Thế là các bản này trở thành “ốc đảo”, tách biệt với xung quanh. Đời sống người dân nơi đây đang gặp muôn vàn khó khăn…

Không được đến trường, trẻ em phải đi bắt tôm, cá phụ giúp cha mẹ.

Đầu tháng 8, chúng tôi về thăm bản Xốp Cháo (trước đây thuộc xã Kim Đa, nay thuộc xã Lượng Minh). Sau hơn 3 giờ đi thuyền, đi bộ ngược lòng hồ, khó khăn lắm chúng tôi mới đến được bản của đồng bào dân tộc thiểu số Khơ Mú này. Bản Xốp Cháo với gần 400 nhân khẩu, được người dân nơi đây gọi là “bản trắng”. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì ở đây không có điện, không có nước sạch, không có trường học… Nhưng, khó khăn nhất vẫn là cảnh đường giao thông bị ngập. Nước ngập mênh mông, bản Xốp Cháo trở thành một “ốc đảo”. Chị Cụt Thị Mi, một người dân trong bản vừa từ rừng ra, than thở: “Nước ngập hết rồi, không có đường đành phải vô rừng bắt chuột, đi hái măng về ăn. Cuộc sống vất vả lắm, không biết lấy chi mà nuôi 3 đứa con?”. Ông Lô Trung Thông, Trưởng bản cũng cho biết: “Trước kia, đời sống người dân trong bản vốn đã khó khăn, bây giờ còn khổ hơn nhiều. Nương phát rẫy bị ngập nước, đường giao thông không có, việc đi lại vô cùng khó khăn. Không may nhà nào có người ốm, thì chỉ biết để nằm ở nhà và cầu trời khấn phật mong tai qua nạn khỏi mà thôi”.

Ông Cụt Xuân Ninh, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh nói: “Chính vì bị ngập lụt, nên hiện tại hầu hết trẻ em ở bản Xốp Cháo không được đến trường; người dân trong bản khi ốm đau không được đưa đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh kịp thời… Mặc dù UBND xã vẫn thường xuyên cử cán bộ xã đến để cấp phát tiền cứu trợ, nhưng do là địa phương nghèo, nên cũng chẳng hỗ trợ người dân được nhiều. Do sản xuất tự cung, tự cấp nên hầu hết các gia đình trong bản thuộc diện hộ nghèo. Người dân đã nhiều lần đề nghị với chính quyền xã về nguyện vọng sớm được chuyển đi đến nơi khác để việc sinh hoạt, đi lại được thuận tiện, dễ dàng hơn. UBND xã cũng chỉ biết kiến nghị lên UBND huyện và chờ đợi câu trả lời”.

Người dân bản Xốp Cháo hằng ngày phải vào rừng kiếm củ mài, măng, rau rừng để sinh nhai.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề di dời các hộ dân nơi đây ra khỏi khu vực “ốc đảo”, ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “ Ở khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, ngoài bản Xốp Cháo còn có hai bản khác cũng đang bị cô lập. Đó là bản Piềng Òi (27 hộ dân), bản Piêng Luống (50 hộ dân). Hai bản này thuộc xã Luân Mai. Theo thiết kế của dự án đã được phê duyệt, thì cả 3 bản này đều không nằm trong cốt nước của Thủy điện Bản Vẽ, nên không phải di dời. Thế nhưng, khi mực nước lòng hồ dâng lên, thì cả 3 bản đều bị nước vây xung quanh và bị cô lập. Hiện tại, đời sống của gần 200 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú) đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ những bản này đến trung tâm các xã, nơi gần nhất cũng mất 3 đến 4 giờ đồng hồ đi bộ, đi thuyền. Cũng chính vì bị cô lập, nên công tác quản lý hành chính của chính quyền các cấp cũng gặp nhiều trở ngại. Song, lo ngại hơn cả là việc học hành của các cháu học sinh, ở 3 bản này, tỷ lệ trẻ em được đi học là rất thấp, có bản gần như 100% số trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học. UBND huyện đã kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh sớm tổ chức di dời 3 bản này đến nơi ở mới thuận tiện hơn, giúp người dân an cư lập nghiệp và giúp chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hồi âm từ các cơ quan chức năng”.

Thực tế cho thấy, hơn 200 hộ dân người Khơ Mú ở 3 bản “ốc đảo” (Xốp Cháo, Piềng Òi và Piêng Luống) vùng lòng hồ Bản Vẽ đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Họ ngày đêm mong chờ được di dời khỏi vùng ngập nước. Chính quyền hai xã Lượng Minh và Luân Mai cùng chính quyền huyện Tương Dương đã có rất nhiều cố gắng, nhưng lực bất tòng tâm. Dư luận ở địa phương mong UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có giải pháp cụ thể để di dời các hộ dân của 3 bản này đến nơi ở mới. Chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan này thì người dân 3 bản này mới thoát khỏi cảnh sống nơi “ốc đảo”, sớm ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất để thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu.

Bài và ảnh: Mai Phương