QĐND Online – Kỳ thi THPT Quốc gia đã đến gần, năm nay thí sinh sẽ thi theo phương thức mới với nhiều bỡ ngỡ và môn Ngữ văn là một trong 3 môn thi bắt buộc mà thí sinh có nhiều lo lắng nhất. Để giúp thí sinh đạt được kết quả tốt nhất trong phần thi này, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) đã đưa ra một số lưu ý và lời khuyên với các em.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 180 phút, đánh giá thí sinh ở các mức độ tư duy: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề thi gồm có 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm); làm văn (7 điểm), gồm nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
 |
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh minh họa |
Căn cứ vào đề thi minh họa môn Ngữ văn của Bộ GD-ĐT, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết đánh giá sự thay đổi của cấu trúc của đề thi năm nay là hợp lý bởi xu hướng giáo dục đề cao khả năng ứng dụng với học trò trong thực tiễn đời sống. Theo đó, để làm tốt đề thi này:
Phần đọc hiểu:
Một lưu ý quan trọng khi làm bài là thí sinh cần chủ động phân phối thời gian cho hợp lý, phần đọc hiểu, thí sinh chỉ nên làm tối đa từ 20 phút đến 30 phút.
Đề thi minh họa đưa ra 2 ngữ liệu (văn xuôi hoặc thơ, có thể trong hoặc ngoài sách giáo khoa), mỗi ngữ liệu có thể yêu cầu trả lời 4 câu hỏi. Các câu hỏi trước hết kiểm tra kiến thức; có kiến thức về tiếng Việt như yêu cầu xác định phương thức biểu đạt (tự sự, miêu tả, thuyết minh hay biểu cảm, nghị luận...); xác định phong cách ngôn ngữ chức năng (phong cách khoa học, phong cách báo chí, phong cách nghệ thuật hay hành chính công vụ....); xác định các biện pháp tu từ hay các phương thức trần thuật, thao tác lập luận...; có kiến thức về tác giả, tác phẩm, giai đoạn văn học, những vấn đề liên quan trực tiếp đến giá trị nội dung và nghệ thuật của ngữ liệu... Yêu cầu thứ hai của các câu hỏi đọc hiểu hướng tới kiểm tra kỹ năng, từ kỹ năng nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, trong đó có kỹ năng cảm thụ, so sánh, liên tưởng...
Để làm tốt phần này, thí sinh phải tự trang bị những kiến thức mang tính hệ thống về tiếng Việt, về khả năng đọc - hiểu, phân tích, cảm thụ văn bản; xác định chính xác yêu cầu từ mỗi câu hỏi, trả lời ngắn gọn, đúng vấn đề, tránh lan man dài dòng.
Phần làm văn:
Thí sinh có thể dành từ 50 đến 60 phút để làm phần Nghị luận xã hội. Phần này có 3 dạng chính:
- Nghị luận về một tư tưởng đạo lý: Đề có thể đưa ra một nhận định, yêu cầu học sinh phải trình bày cách nghĩ, cách hiểu của mình về nhận định đó. Ví dụ: Nghị luận về câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay câu nói của Steve Jobs “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”… Đề cũng có thể yêu cầu nghị luận về một khái niệm liên quan đến một trạng thái tâm lý, tính cách nào đó của con người: Sự sợ hãi, tình yêu, tình bạn, tính dũng cảm, hèn nhát, trung thực, dối trá…
- Nghị luận về một hiện tượng xã hội: Có 2 kiểu ra đề, đó là đưa ra trực tiếp một hiện tượng có gọi tên định danh, định tính; ví dụ nghị luận về hiện tượng sống vô cảm, luận về việc chọn nghề theo thị hiếu xã hội... Kiểu đề thứ hai yêu cầu học sinh trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình về một thông tin nào đó trong đời sống xã hội.
Ví dụ: Đề đưa ra một loạt các con số về việc lựa chọn môn thi tự chọn của học sinh lớp 12 trước kỳ thi THPT Quốc gia và yêu cầu học sinh luận bàn về những con số đó.
- Nghị luận về một vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học. Ví dụ: Luận về cách sống "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo" sau khi đọc trích đoạn kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của tác giả Lưu Quang Vũ.
Lưu ý với câu nghị luận xã hội: Với một đoạn văn khoảng 600 từ, học sinh nên viết ngắn gọn, chân thành, thiết thực, tránh viết sáo, viết chung chung; tránh việc kể chuyện lan man, dài dòng trong phần dẫn chứng cho nghị luận. Với câu hỏi nghị luận xã hội, dù ở dạng nào, học sinh cũng cần làm rõ các khái niệm có thể xuất hiện trong nhận định, trong hiện tượng hay vấn đề từ tác phẩm...
Ví dụ, thí sinh phải giải thích được các khái niệm như khát khao, dại khờ với thông điệp “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”, giải thích khái niệm "vô cảm" khi luận về hiện tượng sống vô cảm... Sau đó lý giải nhận định, lý giải những nguyên nhân hình thành nên tính cách hay hiện tượng xã hội ấy; đánh giá đúng/sai, tốt/xấu, tiêu cực/tích cực....; nêu một số biểu hiện, giải pháp cho những tính cách, hiện tượng tâm lý hay những vấn đề nghị luận; bàn luận, lật ngược lại vấn đề cho thấu đáo; nêu bài học nhận thức và hành động cho bản thân với những suy nghĩ chân thành, rất thiết thực.
Câu hỏi Nghị luận văn học là phần thí sinh cần dành nhiều thời gian, tâm huyết, huy động nhiều nhất kiến thức, kĩ năng. Do đó nên dành từ 90 đến 100 phút cho phần này.
Đề có thể đi theo những hướng sau: Yêu cầu phân tích một giá trị mang tính khái quát về nghệ thuật hoặc nội dung của tác phẩm. Ví dụ phân tích về tư tưởng nhân đạo, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn trong một tác phẩm văn chương hoặc phân tích màu sắc cổ điển, chất hiện đại, tính dân tộc…; yêu cầu phân tích, cảm nhận một chi tiết nhỏ mang ý nghĩa biểu tượng, khái quát lên những giá trị nội dung sâu sắc. Ví dụ chi tiết bát cháo hành và ấm nước nóng trong 2 tác phẩm Chí Phèo và Đời thừa; kết truyện Chí Phèo với kết truyện Vợ nhặt.... Dạng này khó hơn, đòi hỏi học sinh vừa phải nắm bắt được cấu trúc chung của mạch cốt truyện, vừa có khả năng thẩm định, cảm thụ một cách tinh tế nhất. Đề thi các năm gần đây thường yêu cầu học sinh so sánh hai đoạn thơ/ văn, hai nhân vật, hai chi tiết...; cũng có thể đưa ra các ý kiến hoặc bổ sung, hoặc loại trừ nhau cho một giá trị nào đó của tác phẩm, yêu cầu học sinh bàn luận, đánh giá, lựa chọn khẳng định hoặc phủ định....
Lưu ý với câu Nghị luận văn học: Đòi hỏi các em phải xác định dạng đề; nội dung vấn đề nghị luận, phạm vi kiến thức huy động....Trong quá trình làm bài, lỗi học sinh hay mắc phải nhất là diễn xuôi khi phân tích thơ, kể chuyện khi phân tích văn xuôi...; diễn ý lan man, cấu trúc bài rối, lặp... Các em cần nhớ phương thức biểu đat cơ bản của câu nghị luận văn học là phương thức nghị luận, phải chọn được dẫn chứng đắc địa, trích dẫn chính xác, phân tích, cảm nhận tinh tế, sâu sắc giá trị biểu đạt và biểu cảm của các hình tượng ngôn từ, biết kết nối uyển chuyển các luận điểm, biết khái quát các giá trị quan trọng nhất về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm...
Bài, ảnh: THU HÀ