QĐND - Trên các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày gần đây xuất hiện một số nội dung về các dự án bô-xít ở Tây Nguyên và cho rằng các dự án này đang lỗ nặng. Hôm qua (30-3), Bộ Công Thương đã khẳng định, các dự án nói trên có hiệu quả kinh tế và công nghệ bảo đảm an toàn với môi trường.
Khả năng thu hồi vốn nhanh hơn kế hoạch
Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán, dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng) có thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5 năm. Dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) có điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm. Nguyên nhân lỗ là do các dự án phải trả nợ các khoản vay đến hạn.
Tuy nhiên, giá bán alumin trên thế giới có xu hướng tăng, vượt mức dự báo trong tính toán ban đầu. Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá bình quân xuất khẩu alumin cả năm 2014 đạt 326,5USD/tấn, cao hơn so với tính toán của dự án trước đây là 325USD/tấn. Giá alumin hiện nay đã tăng lên mức từ 350USD/tấn đến 360USD/tấn so với mức 300USD/tấn đến 310 tấn/USD hồi đầu năm 2015. Do vậy, hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên, thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ Từ tháng 11-2013 đến tháng 4-2014, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện việc giám sát tổng thể “Hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh-quốc phòng của 2 dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư”. Trên cơ sở kết quả giám sát, ngày 23-6-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương.
Vì thế, Bộ Công Thương phản bác nhận định rằng “sản xuất 660.000 tấn bô-xít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD”, cho đây là đánh giá thiếu cơ sở.
 |
Khu bể lắng tại Nhà máy tuyển quặng bô-xít Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh tư liệu. |
Công nghệ hiện đại, an toàn với môi trường
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ đối với hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ. Theo đánh giá của hội đồng, công nghệ của hai dự án trên là hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đến nay, TKV đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí, tiến tới cổ phần hóa toàn bộ các dự án.
Công nghệ sản xuất alumin của Dự án Tân Rai là Công nghệ Bayer châu Mỹ. Đây là công nghệ tiên tiến được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới cho các nhà máy alumin chế biến quặng bô-xit gipxit.
Để nâng cao hiệu quả của hai dự án alumin, tránh việc vận chuyển alumin ra cảng xa, dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân đã được ra đời để tiêu thụ alumin cho hai dự án nói trên. Dự kiến đến năm 2018, công suất dự án sản xuất nhôm nói trên sẽ đạt là 300.000 tấn/năm. Chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án trong 10 năm giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu USD (khoảng 4.800 tỷ đồng). Vì vậy, Bộ Công Thương bác bỏ thông tin cho rằng, hằng năm Nhà nước bù lỗ 3000 tỷ đồng cho dự án.
Theo tính toán, Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân sẽ nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 là 420 triệu USD. Vì tỉnh Đắc Nông là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nên dự án Trần Hồng Quân thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư, được Nhà nước hỗ trợ theo Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 11-2014. Tuy nhiên, ngay cả khi trừ đi chi phí hỗ trợ của Nhà nước như: Hỗ trợ về giá điện trong 10 năm giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu USD, hỗ trợ 1.200 tỷ đồng (khoảng 54 triệu USD) để chuẩn bị mặt bằng, thì Dự án Trần Hồng Quân vẫn còn dư nộp ngân sách là 136 triệu USD. Cùng với hiệu quả thấy rõ về kinh tế, dự án Trần Hồng Quân còn mang tính chiến lược khi tạo ra một nhà máy sản xuất nhôm tại Tây Nguyên, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 935 người và khoảng 2000 người lao động gián tiếp.
Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thăm dự án Alumin Nhân Cơ, Đắc Nông thuộc Tổ hợp bô-xit Tây Nguyên. Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng trước những hiệu quả kinh tế và công nghệ sản xuất an toàn với môi trường của dự án. Đồng thời, Thủ tướng thể hiện niềm tin vào triển vọng của các dự án khai thác, chế biến bô-xít sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Tây Nguyên.
QUANG HƯNG